GHHV Piô X Đàlạt và Tôi

Seeing

 

 

Vừa nhận được cuốn Kỷ yếu nhân kỷ niệm 50 năm Giáo hoàng Học viện do anh Nguyễn hữu Phúc ở Tacoma in và tặng, tôi đọc liền một mạch trong một buổi tối… bao kỷ niệm xưa cuồn cuộn trội về… không chỉ là những xúc động, những buồn nhớ, tiếc thương… Mà tiếc thương gì kia chứ ? Dù Giáo hoàng Học viện như một hiện hữu vật chất nay không còn nữa, nhưng lại đang sống một cách mãnh liệt, mà hình ảnh và tin tức trong cuốn kỷ yếu vừa qua đã nói lên thật nhiều… Rồi tôi tự hỏi Giáo hoàng Học viện ơi, người đã cho ta những gì ??? Tôi nghĩ mỗi anh em CCS GHHV (từ bậc GM cho đến hàng lê thứ) đều có câu trả lời cho mình và tôi chắc rằng đều là những câu trả lời ở thể khẳng định. Riêng tôi, tôi mang ơn người rất nhiều và không bao giờ quên, dù cho không có kỷ yếu và ngày kỷ niệm 50 năm… Tôi đã trải qua nhiều giai đọan, tiếp xúc với nhiều tập thể, nhưng 4 chữ Giáo hoàng Học viện là 4 chữ đi theo tôi nhiều nhất trong suốt cuộc đời…

Vì thế tôi xin góp lời ....

 

 

GHHV Piô X Đàlạt và Tôi

Tôi thuộc lớp áp áp út, tuổi Giáo hoàng học viện không nhiều, chỉ vỏn vẹn được sống trong vòng tay mẹ hiền GHHV tròn 5 năm, trong đó chỉ 3 năm êm ấm còn lại là 2 năm vờ vật nổi trôi... Tuy vậy, 4 chữ GHHV đã gắn liền với cuộc đời tôi theo một cách riêng.. và hôm nay tôi xin ghi lại đôi dòng về những kinh nghiệm thật riêng tư, có khi cũng chẳng giống ai giữa tôi và mẹ GHHV để góp vào một chút phấn son tô điểm cho diện mạo người, dù nay người không còn nữa...

Kỷ niệm đầu tiên là hình ảnh GHHV. Trong tôi còn đọng lại hai hình ảnh luôn hiển hiện thật sống động tưởng chừng như mới hôm qua, đó là hình ảnh ngày đầu và ngày cuối. Hình ảnh đầu là kỷ niệm Ngày tựu trường đầu tiên của tôi để vào làm tân binh lớp Ngôn sứ, năm 1972.. Sáng hôm đó, một ngày tháng 7, tôi bước lên chiếc xe đò tại bến xe An đông với thật nhiều náo nức, tôi xuống bến xe Đà lạt chỗ cầu ông đạo mà lòng đầy hồi hộp, và rồi khi chiếc taxi dừng trước tiền sảnh GHHV, tôi bước xuống trong tâm trạng ngạc nhiên, thích thú, chiêm ngưỡng... Ồ một ngôi trường to quá, đẹp quá, mọi sự vật chung quanh đều chỉnh chu, từ bông hoa cây cỏ ngoài vườn cho đến cảnh trí bên trong.. Tôi ngất ngây trước cái mới, cái lạ, cái hay, cái đẹp, một khái niệm của sự hoàn chỉnh bao phủ không gian, nhấn chìm thời gian.. vì vậy mà “Đại ca Quốc tế’ (Nguyễn Thế Bài) mới có cơ hội lên chức. Cho mãi tới hôm nay, dù đã đi nhiều nơi, ở trong khá nhiều cơ ngơi to lớn, và cũng đã bước chân vào nhiều trường học hoành tráng hơn, nhưng không có nơi đâu cho tôi cái cảm giác vừa cao sang, vừa hoàn hảo như lần đó.

Và kỷ niệm cuối, tôi tạm gọi là cuối, vì thực ra chỉ là trong những ngày cuối thôi...Đó là một ngày buồn sau 30/4/1975, ngày các cha giáo Dòng Tên phải lên đường về nước... Để tiễn đưa , có một nghi thức đơn sơ mà cảm động; đêm hôm ấy, cái đêm sao có hơi hướm của vườn Gietsemani, mỗi người chúng tôi trong tay cầm một cây đèn cầy để đón nhận ngọn lửa chuyền từ các cây đèn cầy trên tay các cha giáo... Các ngài muốn chuyền lửa cho đám môn sinh còn ở lại đối diện bão giông. Rồi những lời nhắn nhủ, những lời như là lời trăn trối... Hãy thương yêu đùm bọc nhau, giữ mãi ngọn lửa này... ai biết ra sao ngày sau?? Tôi tin rằng ngọn lửa đó vẫn cháy và đang rọi sáng trên quê hương Việt nam, theo mỗi cách của mỗi người, từ các Giám mục, Linh mục cho đến hàng thứ dân như tôi. Trong khung cảnh chia ly ấy, từng người ngầm hiểu rằng chắc chắn mình phải rời xa tổ ấm yêu dấu này, lời ca của một bài hát do anh Nguyễn ngọc Phượng sáng tác trong hoàn cảnh đó (không biết tôi có nhớ sai tên tác giả không, nếu sai xin các anh đính chính giùm) thật súc tích và tôi vẫn nhớ mãi đến bây giờ, không biết có phải vì nó vận vào tôi nhiều quá hay không. Tôi còn nhớ mãi câu hát u buồn đó : “ Vườn địa đàng đã phủ kín phong rêu xanh. Và cuộc đời là chiến đấu phong ba..” Đúng, với tôi GHHV thật là một vườn địa đàng , và mãi mãi là thế...

Rồi tôi phải rời xa, như tất cả đều phải rời xa mẹ GHHV....Và đúng cuộc đời là chiến đấu phong ba. Với tôi nó phong ba thật, sau khi rời vòng tay mẹ một thời gian ngắn, vừa tròn năm tôi rơi tỏm vào một hố sâu tưởng chừng không đáy: nhà tù. Chính nơi đây sữa mẹ Ghhv mới bắt đầu phát huy tác dụng để che chở cho tôi. Và đây là những kinh nghiệm rất riêng tư xin kể hầu các anh. Không hiểu sao, 4 chữ GHHV cứ đi theo tôi một cách tự nhiên, không thể tách rời..tôi không chủ định, mà thật sự có gì để chủ định, vì trong hoàn cảnh đó ích lợi gì đâu để xưng danh mình là thành viên của GHHV. Tôi không có thời gian để suy tính lợi hại, mà tôi nghĩ cũng chẳng cần chi phải tính suy, chỉ biết rằng một cách tự nhiên tôi nói rằng tôi là sinh viên tu sĩ GHHV, tôi không thể chối cãi, muốn ra sao thì ra... Ấy thế mà, cứ sự thường thì chỉ có hại chứ mong gì có lợi với cái có thể gọi là “món nợ đời” ấy. Nhưng không, mẹ GHHV chỉ đem cho tôi toàn điều có lợi, dù thoạt đầu có vẻ như là bất lợi. Và có thể nói tôi tồn tại được sau 15 năm trong tù CS cũng là nhờ phần lớn những gì tôi hấp thu được từ mẹ, cũng như nhờ cả chiếc áo của mẹ, cái tên của mẹ. Chỉ xin kể lại đây vài sự kiện để chứng minh cho điều đó.

Khi còn nằm trong khám lớn Vĩnh long, có một lần tôi bị an ninh trại giam gọi lên làm việc vì cái tội ngồi trong mùng ban đêm. Xin giải thích thêm để các anh rõ về tội này, số là trong tù, ban đêm, sau giờ giới nghiêm (thường là 9 giờ tối), thì mỗi người phải nằm trong mùng của mình, các cánh mùng ken san sát nhau vì mỗi người được chừng 4 đến 5 tấc ngang trên một bệ xi măng. Và phải nằm im, không được động tĩnh gì, nếu ngồi dậy hoặc ra khỏi mùng thì phải báo cáo với người gác, cũng là một tù nhân, thay phiên nhau mỗi người thức một tiếng để gác ... Mỗi tối trước khi ngủ tôi ngồi trong mùng đọc kinh hôm một tí. Có lẽ có tay “antenne” nào đó ( từ gọi những người tù có nhiệm vụ theo dõi báo cáo bạn tù khác) đã báo cho an ninh trại, nên tôi mới bị gọi lên “mần việc”. Hễ đã bị an ninh gọi lên là cầm chắc không què cũng sứt. Rất “ngầu đời” tay an ninh hỏi : Mày ngồi trong mùng làm gì ? – Tôi đọc kinh. – Đọc kinh để làm gì ? – Vì mỗi tối trước khi ngủ tôi phải đọc kinh. Đột nhiên hắn hỏi : trước đây mày làm gì ? – Tôi là sinh viên tu sĩ ở Giáo hoàng học viện Dalat . Không hiểu sao tôi mở miệng nói một lèo như thế. Và cũng không hiểu sao hắn ngồi im như bị trúng bùa, cũng có thể hắn nghe lạ quá hay đang vận dụng trí nhớ để xem coi đó là cái gì. Cho đến nay tôi vẫn không hiểu được điều gì đã diễn ra trong đầu hắn lúc đó, chỉ biết cuối cùng hắn quẳng cho tôi một tờ giấy, bảo viết kiểm điểm rồi cho về phòng “sain et sauf”. Sau đó vài ngày tôi còn được trưởng buồng cắt cho công tác làm Thư ký buồng giam, chỉ lo việc ghi chép, khỏi phải đi đổ phân, chà cầu...

Năm 1984, tôi bị chuyển từ trại Bến Giá tỉnh Cửu long, nay là Trà vinh ra trại Xuân Phước, Đồng Xuân, Phú Khánh (nay là Phú yên). Trại này là nơi tập trung tù chính trị án nặng và các sĩ quan cao cấp của VNCH, được mệnh danh là Thung lũng tử thần. Chính nơi đây tôi diện kiến Cha Nguyễn văn Vàng, Cha Nguyễn quang Minh, Cha Lê thanh Quế...Đoàn xe đưa tù đến trại vào ban đêm. Sáng ra chúng tôi được tập họp lại để an ninh kiểm tra khám xét rồi phân vào các đội để đi lao động. Hành lý của mỗi người tù chỉ có một giỏ đệm trong đựng vài cái quần, cái áo và ít thực phẩm khô. Phần tôi, khi lục soát thì lòi ra một cây thánh giá nhỏ làm bằng miếng mica tôi lượm được khi lao động ở Bến Giá. Tôi đã dùng dây đờn đứt cưa và mài nhẵn , đánh bóng bằng kem đánh răng thành một cây Thánh giá rất bóng và đẹp, vì thế tôi rất quí và đi đâu cũng mang theo dù biết rằng dễ sinh chuyện khi bị bắt gặp. Khi mấy tay trật tự (đó là những tay tù hình sự hoặc cán bộ CS bị tù làm nhiệm vụ phụ tá cho các cán bộ để quản lý tù) moi ra cây Thánh giá đó và trình cho tay cán bộ trưởng ban an ninh trại. Tay này tên Tri, mặt lạnh như tiền và nổi tiếng nghiêm khắt. Các cha Vĩnh long đi cùng chuyến chuyển trại với tôi như Cha già Quyền, Cha Trọng, Cha Tâm... nhìn tôi ái ngại. Các bạn tù khác thì im lặng, nín thở. Tay CB an ninh gọi : anh nào giữ cái này, bước ra. Tôi đứng lên. – Anh tên gì? – Tôi tên Tài. – Cái này ở đâu ra ? – Tôi làm. – Anh làm gì ngoài đời ? – Tồi là sinh viên tu sĩ GHHV Dalat. Cũng rất tự nhiên một lèo câu chữ trôi ra như thế mà tôi không có đắn đo gì trước cả . – Anh ngồi đó. Tôi ra ngồi một góc bên cạnh. Bầu không khí im lặng đến rợn người. Xong việc kiểm tra hành lý, cơ thể... đến việc phân chia về các đội lao động. Tất cả mọi người cùng chuyến được phân về đội này hoặc đội nọ, người thì đi trồng rau, đan đát, người đi đào ao, người về đội nông nghiệp làm ruộng. Còn lại mình tôi không có đội nào cả. Chắc là vào kiên giam thôi. Vì đã ở tù mà không “được “ đi lao động thì chỉ có nằm trong cùm. Rồi anh ta cũng gọi tên tôi. - Anh về Tổ văn Hóa. Không ngờ! Ngay cả tay trưởng ban đại diện tù (cứ tạm coi như là doyen) cũng ngạc nhiên, vì đây là một chỗ rất “thơm”, ngay cả các tay tù cán bộ mơ còn khó thấy. Tổ này chỉ có vài ba người, ngày ngày lo vẽ vời, ghi chép, dạy bổ túc văn hóa cho tù...nói chung là nhàn, no, không phải chân lấm tay bùn. Cũng chẳng ai giải thích nổi vì sao tay cán bộ an ninh Tri lại quyết định như thế. Sau này có người nói có lẽ vì trước 75 anh ta có thời gian đi học trường Thánh Giuse ở Nha trang và có biết chút ít về đạo ? Dù sao thì hai câu chuyện đó cũng cho thấy bốn chữ GHHV đã giúp tôi, không có gì hại cho tôi cả.

Sau khi ra tù, bôn ba trong cuộc mưu sinh, bốn chữ GHHV còn mang lại nhiều hỗ trợ và bất ngờ cho tôi. Trước tiên tôi xin nói về một bất ngờ lớn đối với tôi. Có lẽ nhiều người ngạc nhiên không hiểu sao chỉ 5 năm sau khi ra tù (1992 ra tù – 1997 vào Bourbon) tôi được vào làm việc cho Công ty đường Bourbon Tây ninh (thuộc tập đoàn Bourbon của Pháp, tập đoàn đồng thời nắm giữ cổ phần chính trong các siêu thị Cora, nay là Big C ở Việt nam), mà lại là Directeur Commercial hẳn hoi. Chuyện này trước đó tôi cũng không nằm mơ được. Con đường đến đó cũng là do Giáo hoàng học viện cả thôi. Xin kể thế này : Vào năm 1997, đang lang thang vì vừa thất nghiệp, tôi gặp anh Nguyễn trí Dũng (nếu tôi hình dung GHHV là mẹ thì có thể nói anh Dũng là chị Cả- lúc nào có chuyện là những đứa con GHHV phiêu bạt đều chạy đến quấy rầy chị cả này) hỏi xem có “tuyau” nào không ? Anh liền giới thiệu tôi với chị Chín Nhãn hiện đang là Trưởng phòng Nhân sự của Cty đường Bourbon Tây ninh. Tôi gửi CV mà không mấy hy vọng vì nghĩ mình chắc khó mà địch nổi những MBA,BA,BS ... Tôi vào phỏng vấn, gặp Mr Jacques DeChateauvieux , chủ tịch tập đoàn, sau khi hỏi qua về quá khứ, kinh nghiệm làm việc và một số điều vô thưởng vô phạt, lẽ dĩ nhiên tôi cũng nói rõ là tôi học Giáo hoàng học viện Pio X Dalat dù tôi không chắc là cái vốn học vấn này có tác dụng với ông, bởi vì đâu có dính dáng gì tới kinh tế... nhưng tôi cũng nói theo kiểu có gì thì nói nấy, nhưng rồi cũng thật bất ngờ , ông kết luận : tôi chọn anh, ít nhất anh và tôi có thể hiểu nhau vì cùng một nền tảng giáo dục. Thế đấy, con đường nhập vai Directeur Commercial của tôi là do Mẹ GHHV đưa dẫn chứ còn gì hoài nghi nữa ?

Ngoài ra, trên bước đường đã qua, không lúc nào tôi không thấy bóng dáng của mẹ GHHV. Này nhé xin liệt kê vắn tắt: lúc mới ra tù không xu dính túi, anh Trí Dũng huy động anh em mỗi người góp một ít giúp tôi cất được một căn nhà tinh nghĩa làm chỗ trú thân ban đầu. Rồi Hoàng gia Khánh giao cho dịch sách để kiếm tiền độ nhật. Rồi cùng với Chính Kết, Uy Nam chạy rông đi làm tiếp thị cho các Cty may mặc ở Sài gòn. Rồi anh Huỳnh tỏa Hương làm tư vấn “tối cao”. Đám cưới tôi cũng do anh Nghĩa (sơn mài Nghĩa Tâm) về tận Bến Tre làm chủ hôn, anh Trí dũng thì làm MC...Và mới đây, khi qua Mỹ thì lại gặp các anh Tứ, Khang, Quyết ở Houston đón tiếp nồng ấm, chân tình cùng với vòng tay rộng mở sẵn sàng.. Gặp Lê minh Đức ở Seattle sẵn lòng giúp đỡ. Được đàn anh Hồ trí Thức thăm hỏi, hướng dẫn tận tận tình và giới thiệu cho đàn anh “cao cấp’ là anh Giá ở Olympia, từ đó lại gặp một đàn anh khác ở Tacoma là anh Nguyễn hữu Phúc để có đường nhờ vã hỏi han ..Như vậy có thể nói trên mọi nẽo đường không bao giờ tôi mất bóng GHHV. Nên đối với tôi GHHV quả thật là một hiện hữu đặc biệt. Dù nay không còn nữa, không còn cơ ngơi huy hoàng ở Dalat, không còn một quy tụ hữu hình, cố định nhưng như hạt giống đã rơi vào lòng đất, nó tiếp tục tồn tại, đâm hoa, kết trái và vươn xa, vươn xa mãi. Mười hai vị Giám mục cho Giáo hội VN, hàng trăm Linh mục cho VN và thế giới, hàng trăm kito hữu cốt cán đang lan tràn khắp thế gian, đang len lỏi vào nhiều lãnh vực, đó là sự hiện diện phong phú của mẹ GHHV.

Cuối cùng tôi nghĩ đến hình ảnh viên thủy ngân dưới nhát búa định mệnh đập tan bắn ra ngàn viên nhỏ li ti, tung tóe khắp nơi, nhưng không trộn lẫn với các chất liệu khác, và rất dễ dàng quy tụ lại, kết nối lại thành một khối khi có một hành động. Đó là GHHV trước đây, sau năm 1975 và cuộc quy tụ sau 50 năm vừa rồi. Từ nơi xa xôi xin gửi lời cầu chúc cho mẹ GHHV sớm có ngày trọn vẹn “tái xuất giang hồ” .

 

Viết xong ngày 16/1/2009 tại Tacoma, WA 98406.
Gabriel Nguyễn trọng Tài. Lớp Ngôn sứ. Địa phận Mỹ Tho.



Xem thêm Lớp Ngôn sứ by PROPHET Press.

Xem các bài viết khác trong Lớp Ngôn sứ , Khoá 15 GHHV Đà Lạt Việt Nam.