Trang GHHV Nguyễn Thế Bài ĐỗVănBông LêCường ĐinhĐìnhChiến NguyễnMinhDũng LêMinhĐức NguyễnVănGiầu
TrầnLựcHiền LêVinhHiến PhạmVănHiến NguyễnVănHoà NguyễnHưng NguyễnĐứcKhang NguyễnĐăngKhoa HoàngGiaKhánh
LưuVănLộc NguyễnTrọngNghiệp NguyễnVănQuyến NguyễnTrọngTài TrầnVănToàn VõThànhTứ NguyễnVănTươi VũThànhThái
LêVănThanh CaoVănThành ĐặngXuânThành TrầnVănThuyên TrươngVănTrang NguyễnVănVàng NguyễnThànhViễn

Personalia

Trang của Đặng Xuân Thành

Thư ngày 23 tháng Ba năm 2007

Khang thân mến,

Rất vui khi được nhìn mặt lại nhau (chỉ tiếc là chưa thấy khuôn mặt của nhau "ngày hôm nay",

và nghe những thông tin về nhau.

Mừng hơn nữa là thấy Khang đang đứng ra gánh vác công việc làm cầu nối giữa mỗi anh em.

Ngày xưa, nếu không luôn luôn thì cũng nhiều lần Khang cũng đóng vai trò khởi xướng cho cả lớp mà !

Mình gởi kèm đây bài chia sẻ viết cho anh em trong Sàigòn từng sinh sống và làm việc chung với mình cho tới cuối tháng 9 năm 2006,

ngày mình chuyển ra Bắc làm việc.

Nhờ Khang chuyển cho anh em để biết đôi chút về đất Bắc, người Bắc và bản thân mình.

Hẹn tái ngộ. DXT

 

 

 

Cáo phó

Linh mục Phêrô ĐẶNG XUÂN THÀNH


Trong niềm tin vào Chúa Kitô phục sinh, chúng tôi trân trọng kính báo:
 

Linh mục Phêrô ĐẶNG XUÂN THÀNH
 

Sinh ngày 23.9.1954, tại Hải Phòng
đã được Chúa gọi về lúc 19 giờ,
thứ Tư, ngày 27.11.2013, tại Hà Nội
hưởng thọ 60 tuổi, sau 31 năm thi hành tác vụ linh mục.

 

Đức Tổng Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn chủ sự Thánh lễ đưa chân
tại Nhà thờ Chính Tòa Hà Nội, lúc 9 giờ sáng thứ Sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2013
 

Sau Thánh lễ, linh cữu được đưa về Sài Gòn,
quàn tại địa chỉ: 9C/12A Chánh Hưng (Phạm Hùng) P. 4 - Quận 8
 

Thánh lễ an táng do Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm chủ sự
lúc 8g30 thứ Hai, ngày 2 tháng 12 năm 2013,
tại nhà thờ Giáo xứ Nam Hải
Số 277 Phạm Hùng, Phường 4 - Quận 8, Tp.HCM
 

Sau đó, linh cữu được an táng tại Nghĩa trang Giáo xứ Khiết Tâm, Thủ Đức.
 

Tang quyến đồng khấp báo,
 

Đại diện gia đình: Ông Giuse Đặng Xuân Hiếu
Đại diện các thân hữu: Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

 


Vào lúc 11g40' ngày 02/12/2013 đã tiễn đưa cha giáo P. Đặng Xuân Thành vào lòng đất mẹ, nghĩa trang GX Khiết Tâm. RIP.

Kính mời xem album theo link này :

https://plus.google.com/photos/110047284761664244398/albums/5952659137718164145

 


 

CHA PHÊRÔ ĐẶNG XUÂN THÀNH,

THÊM MỘT HẠT GIỐNG MỤC NÁT ĐI…

 

Mấy năm qua, Chúa đã đột ngột gọi về một số nhân sự trẻ sáng giá của Giáo hội Việt Nam khiến bao nhiêu người sửng sốt, hụt hẫng: Anh Phanxicô Xaviê Trần Duy Nhiên ở Sài Gòn, cha Bênêđictô Nguyễn Hưng của giáo phận Xuân Lộc, Cha Phaolô Nguyễn Văn Đông, dòng Đức Mẹ Lên Trời, mới 38 tuổi. Và nhiều người khác tôi chưa được quen biết… Bây giờ, cha Phêrô Đặng Xuân Thành…

Khi cha Thành bị hôn mê và nhập viện, một cựu chủng sinh từ Cam Ranh và một vị giáo sư gần 90 tuổi từ Nghệ An đã báo tin cho tôi. Trong ngày đầu tiên sau khi cha về với Chúa, một cha bạn từ Nha Trang, ba chị tu hội đời từ Bà Rịa, Đà Lạt và Sài Gòn, một giáo dân ngành phát hành sách ở Sài Gòn và một du học sinh Việt Nam từ Rôma nhắn tin, gọi điện hoặc email cho tôi trong nghẹn ngào. Con người vừa ra đi có một ảnh hưởng rất âm thầm mà cũng rất rộng rãi.

Tôi có chung với cha một quá khứ Tiểu chủng viện Thánh Giuse Qui Nhơn và Đại chủng viện Piô X Đà Lạt. Ngày những cánh chim Giáo hoàng Học viện tan đàn, cha đã viết một bài hát cho mình và cho anh em với câu đầu tôi không sao quên được:

Đôi khi bỗng thấy mình như thiền sư xuống núi

khi chưa nuốt hết vần kinh của trang sách thiêng

nhưng tai nghe tiếng Chúa kêu mời

nhưng tim rung tiếng nấc nhân loại

làm sao không nỡ khép môi cầu kinh…

Câu hát như báo trước ơn gọi tu hội đời của cha.

 

Rời Giáo hoàng Học viện, người chủng sinh Đặng Xuân Thành phải về gia đình và làm công nhân ở Daklak. Ít lâu sau anh về Sài Gòn, trọ tại nhà bà con ở giáo xứ Sao Mai dạy ngoại ngữ, dịch thuật và biên tập sách tôn giáo vừa kiếm sống vừa tìm hướng thể hiện ơn gọi trong tình cảnh mới. Thời điểm ấy, tu hội Hy Vọng của Đức cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận vừa được sát nhập vào tu hội đời quốc tế Thánh Tâm Chúa Giêsu. Anh nhận dịch tài liệu cho tu hội, cả những bản văn riêng của tu hội Thánh Tâm Chúa Giêsu lẫn những sách mang tính thần học về ơn gọi tu hội đời nói chung. Những trang sách ấy đã sớm cuốn hút anh vào lý tưởng tu hội đời, những tu sĩ không áo dòng, không nội cấm, không có đời sống chung, chỉ mang theo ba lời khấn dấn thân đem Tin mừng của Chúa vào mọi lãnh vực trần thế. Tu hội Thánh Tâm Chúa Giêsu do cha Pierre Joseph Picot de Clorivière (1735-1820) sáng lập. Ngoài hai ngành nam độc thân và nữ độc thân còn có ngành dành cho các đôi bạn và ngành dành cho các linh mục. Năm 1981, cha Thành được thụ phong linh mục, một thành viên của tu hội Thánh Tâm Chúa Giêsu thuộc giáo phận Bắc Ninh nhưng vẫn tiếp tục phục vụ ngoài giáo phận.

Tôi cũng là một linh mục phục vụ ngoài giáo phận như cha. Hai anh em cùng nguồn gốc và cảnh ngộ nên khá gần gũi. Những lần về Sài Gòn, tôi vẫn thường ghé thăm và nghỉ đêm lại ở gác trọ của cha, chia sẻ buồn vui, sáng dậy dâng lễ và đọc kinh thần vụ với nhau, ăn sáng chung rồi ai lo việc nấy. Mấy năm sau, gia đình cha chuyển về Sài Gòn, ở giáo xứ Vườn Chuối, cha ở trên căn gác cao nhất; rồi mấy năm sau nữa, cha sắm được nhà cho tu hội tại quận 8, tôi cũng thường ghé thăm như thế.

Cuộc sống và cung cách phục vụ của cha cũng là một nguồn động viên cho tôi. Trước nhan Chúa, tôi rất ý thức trách nhiệm về ơn gọi của mình. Giữa cảnh sống lang bạt ngoài lòng giáo phận, tôi khao khát có tình liên đới, có bạn đồng hành để đứng vững. Tôi quen biết nhiều dòng nam với nhiều anh em rất thân thiết. Cuộc sống huynh đệ của họ thật đẹp nhưng tôi không muốn lìa bỏ tính cách một linh mục giáo phận. Giữa những trăn trở chọn lựa, con đường của cha De Clorivière đã lôi cuốn tôi. Là một linh mục triều, khi được đóng thêm dấu ấn của ba lời khấn để sống triệt để các giá trị Tin mừng, trong tình huynh đệ với những anh em cùng chí hướng tâm linh và trong tình nghĩa giáo phận, tôi chỉ được thêm chứ không mất mát gì. Năm 1991, tôi ngỏ ý và cha Thành nhận tôi vào giai đoạn tìm hiểu tu hội. Tháng Bảy 1992, bất ngờ tôi nhận được tiếng gọi thật rõ, tha thiết và đập mạnh vào tai, gần như không được phép từ chối, đòi hỏi tôi dấn thân để đem dòng Cát Minh Têrêxa ngành nam vào Việt Nam. Tôi xin cha cho chấm dứt giai đoạn tìm hiểu. Tháng Năm 1993, Đức Cha Phaolô Huỳnh Đông Các cho phép tôi xúc tiến thủ tục nhập dòng Cát Minh và mãi cuối năm 1999 tôi mới xin được giấy tờ đi châu Âu làm nhà tập. Ngày 09-9-2000 tôi được khấn lần đầu và cứ lặp lại lời khấn mỗi năm, cho tới tháng 9-2005 thì Ban Đào tạo cho biết tôi không có ơn gọi trong dòng Cát Minh. Vị tập sư của tôi là một linh mục người Mỹ đầy kinh nghiệm đã có những nhận định rất chính xác và đi đến kết luận ơn gọi tu dòng của tôi chỉ có tính cách giai đoạn, đã đến lúc tôi cần can đảm trở lại đời sống linh mục triều. Tôi rất buồn và trình sự việc với Bề trên Tổng quyền. Cha Tổng quyền đã có một quyết định ngược với kết luận của Ban Đào tạo. Thế nhưng, Thiên Chúa đã can thiệp. Tôi bị đau nặng đến độ theo cả giáo luật và hiến pháp dòng đều không được khấn trọn. Lúc ấy Bề Trên Tổng Quyền mới đổi ý, bảo tôi về lại với Giáo phận.

Tôi về lại Qui Nhơn ngày 08-9-2007, cha Thành đang phục vụ tại Hà Nội. Hôm sau, lời khấn dòng của tôi hết hạn về mặt giáo luật nhưng điều tôi đã phát nguyện trong tâm thì vẫn còn đó. Qui Nhơn – Hà Nội xa cách, ít khi chúng tôi có dịp gặp nhau. Tôi không tiếp nối câu chuyện Thánh Tâm Chúa Giêsu với cha Thành vì đã biết cách để bước trên con đường của cha De Clorivière, dù chỉ có một mình, với lời phát nguyện Cát Minh.

Khi nghe tin cha Thành được Chúa gọi về, tôi lục lại kỷ niệm thì tìm được lá thư đề ngày 23-12-2010, với đoạn mở đầu về sức khỏe: “Năm nay sức khỏe em trở nên kém hơn trước, đặc biệt trong bệnh cao huyết áp hay nói rộng hơn, chứng đau tim mạch. Có lẽ một phần vì tuổi tác, phần nữa là em không còn nhiều sức chịu đựng và khả năng thích nghi cao như trước kia…”

Hè năm 2011 chúng tôi gặp nhau lần cuối, khi cha đưa một số anh em linh mục Bùi Chu vào tĩnh tâm tại Qui Nhơn. Cha đào tạo các hội viên tu hội đời, đào tạo những chủng sinh trôi nổi, các chủng sinh đang ở chủng viện và cả các anh em linh mục trẻ chủ yếu bằng linh thao I Nhã. Không phải là linh mục Dòng Tên nhưng cha được ơn giảng linh thao rất kết quả. Với khả năng làm việc nhanh và có phương pháp, mỗi năm, cha đều soạn các đề tài linh thao thành một bài in thành tập cho những anh chị em không dự linh thao với cha có thể cùng chia sẻ.

Cuối năm 2011, khi duyệt lại bản thảo bộ sưu tập “Có Một Vườn Thơ Đạo”, tôi xin cha gửi cho những bài thơ mới của cha lịch làm việc của cha không cho phép. Tôi giữ nguyên những bài thơ cha viết trước năm 1997. Cha nhờ một chủng sinh chuyển từ máy vi tính của cha cho tôi một đoạn ngắn, chia sẻ với độc giả cả về tính trần thế trong hoạt động mục vụ lẫn về việc đào tạo:

“Có thể nói hai phần ba cuộc đời linh mục của tôi (hơn 30 năm cho tới năm 2012 - TTT) xoay quanh hai trục chính trong suy tư cũng như trong việc làm: Một là gắn bó với những con người “ngoài phố”, từ những người thân trong gia đình đến những sinh viên hay giáo viên tại trường lớp, những người làm công hay làm chủ, những người khác Đạo hay không Đạo, ngay cả những người có Đạo hay thuộc hàng ngũ những người tu hành cũng là những người sinh sống và tu trì “giữa đời”. Hai là gắn bó với công việc đào tạo (dưới nhiều hình thức như dạy ngoại ngữ hay thần học, viết lách hay dịch thuật, hướng dẫn tĩnh tâm hay đồng hành thiêng liêng). Bên ngoài có thể là những lựa chọn có phần nào do hoàn cảnh bắt buộc, nhưng sâu xa bên trong là đáp lại một lời mời gọi của Thiên Chúa – một lời mời gọi không phải chỉ bắt đầu với thái độ và lập trường của Giáo hội Công Giáo trong công đồng Vaticanô II (đồng hành với nhân loại), mà đã có từ xa xưa qua cách ứng xử của Thiên Chúa với dân Do Thái trong lịch sử (nhập cuộc và hành động). Đó là lời mời gọi nhìn ra bước đi của Chúa trong chuyển biến lịch sử hết sức cụ thể của những con người, nghe ra tiếng nói của Chúa trong những động tĩnh hết sức tầm thường của những cuộc đời. Và cũng vậy, trả lời cho Chúa qua những câu nói ấp úng – những cử chỉ đơn sơ – những hành vi giản dị của con người... Phải chăng đó là công việc của một ngôn sứ có Đạo? Hay cũng là công việc của một người làm thơ tôn giáo?” (Có Một Vườn Thơ Đạo, Nxb Phương Đông 2012, tập 3, trang 427).

 

Tin cậy vào kinh nghiệm đào tạo của cha, khi cha Nguyễn Khắc Bá, giám đốc chủng viện Vinh Thanh mời tham gia ý kiến cho bản định hướng nội quy của chủng viện (http://daichungvienvinhthanh.com/category/chung-vien/quy-che/), tôi đã chạy đến với cha. Trong phần còn lại của lá thư ngắn cuối năm 2010 nói trên, cha trả lời câu hỏi của tôi, bằng mấy dòng thật súc tích gãy gọn và chính xác, khá trùng khít với những gì cha đã sống tại Sài Gòn trước kia cũng như với đoạn chia sẻ trên đây: “Em rất thích cách trình bày Quy Chế cho chủng sinh của giáo phận Vinh. Chỉ xin đề nghị: Nếu đã muốn chia các bộ môn học thành ba nhóm: Mầu nhiệm, Hiệp thông và Sứ vụ thì nên phân phối các môn ấy đều các năm học, nghĩa là năm nào cũng có mấy môn thuộc khối này và khối kia. Cũng nên chú ý tập cho chủng sinh tập quán và sự ham mê làm việc trí thức riêng và chung, qua các nghiên cứu, dịch thuật và biên tập. Ngoài ra, trong mảng đào tạo tâm linh, nên chú ý hơn đến tinh thần và những việc khổ chế tự nguyện, khả năng đọc và thi hành ý Chúa trong cuộc sống. Trong mảng đào tạo nhân bản, chú ý hơn tới đức tính trung thực và thành thật, đặc biệt tránh thói chỉ tập sống khéo léo hay khôn ngoan thế gian (đừng đồng hóa khéo léo với đức khôn ngoan của Tin mừng)”.

 

Có người hỏi tại sao Chúa lại sớm gọi những người như anh Nhiên, cha Hưng, cha Đông và cha Thành ra đi đang khi Giáo hội Việt Nam đang cần họ biết mấy? Liệu phải chăng sau khi họ đã gieo rồi, Chúa còn muốn họ trở thành phân bón cho những hạt mình gieo? Hay chính họ vừa là người gieo hạt vừa là hạt giống Chúa gieo, phải mục nát đi để trổ sinh nhiều hoa trái? Tôi nghĩ có lẽ là cả hai. Như Charles de Foucauld, họ phải qua đi để cho những hạt mầm sớm nẩy nở đều khắp và mạnh mẽ. Tôi tin rằng sự ra đi của họ là cơ hội để Chúa Thánh Thần làm bùng lên ngọn lửa họ đã nhen trong lòng những người đã gặp gỡ họ. Sẽ có thật nhiều người tiếp tục con đường của họ với những bước chân đầy bản lãnh và sức mạnh của Chúa Thánh Thần để Giáo hội Chúa trên Quê hương Việt Nam tiến bước vững chắc trên giai đoạn mới: thời của những vị thánh hiển tu. Để dẫn chứng cho niềm hy vọng ấy và để kết thúc bài viết tưởng niệm, tôi xin được trích đoạn tâm tình chia sẻ của Art. Bụi Đá, một học trò của cha Thành, viết từ trời Âu:

Những ngày qua đất trời Roma đang chuyển mình, nó khua dậy những luồng khí lạnh đến buốt thịt thấu xương. Trong giữa tiết trời giá đông ảm đạm, tôi lại nhận được tin Cha giáo Phêrô Đặng Xuân Thành ra đi đột ngột sau cơn tai biến não… Những ký ức về một người Cha, một người Thầy… bất chợt ào về, khiến cho tâm hồn người học trò tha hương tê tái như muốn bỏ lại sau lưng những nỗi lòng trĩu nặng …

Mùa thu năm 2005, tôi có duyên may gặp Cha giáo Đặng Xuân Thành, khi Ngài ra giảng dạy và làm việc tại Đại Chủng Viện Hà Nội. Ngay từ lần gặp đầu tiên, Ngài đã để lại trong lòng tôi sự kính trọng và khâm phục; bởi vì Ngài không chỉ là một giáo sư văn võ song toàn (có lẽ tác giả định viết là “tài đức song toàn” – TTT) mà còn là một “người thầy tâm linh” có tâm huyết với Giáo hội, có tinh thần xây dựng, có tri thức uyên thâm, có sự hiểu biết ngọn nguồn, có trải nghiệm thâm niên, có tâm hồn thanh cao, có trái tim rộng mở, có tấm lòng bao dung… Chính qua những lần gặp gỡ bàn hỏi với “vị thầy tâm linh này”, Ngài đã khơi dậy và chỉ bảo cho tôi những lý tưởng sống cao đẹp, những hy sinh rất tầm thường, những nẻo đường nên tung bước để luôn biết sẵn sàng dấn thân phục vụ ‘vì một Nước trời cho Quê hương’.

Qui Nhơn, 30-11-2013

Lm TRĂNG THẬP TỰ

 

 


 

BẠN ĐÃ ĐI RỒI

 

Thôi rồi, bạn đã đi rồi!
Tài hoa trả lại kiếp người phù sinh.
Ngày xưa thân ái chúng mình,
Đâu còn mong được tự tình bên nhau!
Thời gian như nước qua cầu,
Cuốn trôi kỷ niệm, dìm sâu nụ cười (*)
 

Chơi vơi khi bạn đi rồi,
Bần thần chẳng hiểu ý Trời cao siêu!
Sao người đức trọng tài nhiều,
Chúa đành sớm gọi về triều (**)Thiên Nhan?
Sao ngài dứt gánh giữa đàng,
Người con ưu tú muôn vàn tín trung,
Nhiệt thành không ngại lao lung,
Âm thầm phụng sự hết lòng nước Cha?
 

Bắc Nam chẳng quản gần xa,
Sao ngài không hãy nhẩn nha gọi về?
Chúng tôi, “Ngôn sứ” u mê,
Tài hèn, đức mỏng vẫn lê kiếp sầu.
Hiểu sao Thánh ý nhiệm mầu
Hồng ân Cứu độ ngày nào học chung?...
Dường như trong trí mịt mùng,
Thoáng lờ mờ hiểu mông lung ý ngài:
Những người trọn vẹn đức tài
Chúa luôn thử thách, vần xoay chán chường;
Một khi công đức tỏ tường,
Sớm vời về chốn Thiên Đàng thưởng công.
 

Chúng tôi còn mãi long đong,
Tội đồ nặng gánh tang bồng chưa nguôi;
Thương cho ở lại với đời,
Ăn năn - sám hối, đền bồi lập công...
Vậy là bạn đã đi rồi!
Còn chi lưu luyến cõi đời phải không?
Nước Trời phỉ chí lập công.
Chúa đền cân xứng tấm lòng kiên trung.
Thiên Đàng tái ngộ bạn Hưng,
Cầu cho “Ngôn Sứ” tình thân thuở nào!
Giã từ, xin thế câu chào:
Hẹn ngày gặp lại, bên nhau vĩnh hằng!
 

(Ghi lại cảm tưởng đến bất chợt khi đứng trước quan tài
bạn Phêrô Đặng Xuân Thành ngày 30.11.2013,
được cha TTK Giuse Phạm Bá Lãm nhắc nhỏ...
)

 

(*) Bạn Xuân Thành và Minh Dũng lớp Ngôn sứ 72 có nụ cười rất “Quy Nhơn”
(**) chầu (như: lưỡng long triều nguyệt)
1.12.2013
P.Nguyễn Văn Giàu

 

 


 

Tên con đã được khắc ghi trên trời

(Lc 10,17)

 

Phêrô Thành ơi,
Tháng ngày đã xa diệu vợi,
Giáo hoàng chúng mình xa nhau biết mấy phương trời,
Lớp “bảy hai” chúng mình mỗi đứa cũng ở một nơi,
Người trên Thiên đàng, kẻ dưới trần gian…
Nhưng mình vẫn nhớ, nhớ hoài, nhớ mãi, vẫn nhớ miên man,
Bài ca Chúa sai “bảy hai” môn đệ ra đi, ra đi truyền giáo,
Bài ca mà Thành sáng tác cho ta làm người hát dạo,
Hát rao tình Chúa, một sớm trời trong,
Lòng rộn hân hoan, đêm ngày rong ruổi,
Hành trang Lời Chúa, quyết mang cho đời,
Tình yêu của Chúa, gieo rắc nơi nơi…
Và… người môn đệ trở về, lòng như mở hội, ríu rít những lời:
Lạy Thầy, nghe đến Thầy thôi,
Quỷ ma cũng đều kinh hãi!

Mỉm cười, Thầy bảo: “Vui lên con ơi, tên con đã được khắc ghi trên trời!

Thành ơi,
Bài ca đó, giờ đây đã “thành” ứng nghiệm,
Ứng nghiệm cho Thành và cho những ai đã sống một niềm tín trung!

Sáu mươi năm được làm người,
Cho con khôn lớn, tuổi đời thêm xinh.
Ngày nao tiếng Chúa thiên đình,
Gọi con theo Chúa, đường tình bôn ba.

Bốn tám năm vẫn mãi ngược xuôi,
Hang cùng ngõ hẻm, khắp nơi nơi,
Vẫn đi theo Chúa, đâu quản ngại,
Chúa bên con, con vẫn cười tươi...

Ba mốt năm linh mục hy sinh,
Khó khăn gian khổ vẫn trung trinh,
Một mối tình đầu không thay đổi
Đời con là của Chúa chí linh!

Giờ đây,
Tên con Chúa khắc trên trời,
Con nghe Chúa nói những lời yêu thương:
Hỡi người đầy tớ kiên cường,
Hãy vào chung hưởng Thiên đường phúc vinh

 

Lưu Dzoanh Bảo, 30/11/2013
Cùng lớp Ngôn Sứ 72 thương nhớ Linh mục Phêrô Đặng Xuân Thành, một người Bạn thân tài đức song toàn.
 

 

 


Tiễn biệt ca

Linh mục Giuse Nguyễn Văn Chân, giáo phận Bùi Chu, là học trò và là nghĩa tử của cha Phê-rô Đặng Xuân Thành, hiện đang học tại Trường Thánh Nhạc Roma, xin chia sẻ bài hát với tựa đề " Tiễn biệt ca" như một nén hương lòng thắp lên tưởng niệm về một người thày, một người cha trong tin yêu và phó thác nơi Chúa.

Linh mục Giuse Nguyễn Văn Chân


 

Người thầy tâm linh

Những ngày qua đất trời Roma đang chuyển mình, nó khua dậy những luồng khí lạnh đến buốt thịt thấu xương. Trong giữa tiết trời giá đông ảm đạm, tôi lại nhận được tin Cha giáo Phê-rô Đặng Xuân Thành ra đi đột ngột sau cơn tai biến não... Những ký ức về một người Cha, một người Thầy... bất chợt ào về, khiến cho tâm hồn người học trò tha hương tê tái như muốn bỏ lại sau lưng những nỗi lòng trĩu nặng ...

Mùa thu năm 2005, tôi có duyên may gặp Cha giáo Đặng Xuân Thành, khi Ngài ra giảng dạy và làm việc tại Đại Chủng Viện Hà Nội. Ngay từ lần gặp đầu tiên, Ngài đã để lại trong lòng tôi sự kính trọng, yêu mến và cảm phục; bởi vì Ngài không chỉ là một giáo sư văn võ song toàn mà còn là một "người thầy tâm linh" gương mẫu, có tâm huyết với Giáo hội, có tri thức uyên thâm, có tinh thần xây dựng, có trải nghiệm thâm niên, có sự hiểu biết ngọn nguồn, có tâm hồn thanh cao, có trái tim rộng mở, có tấm lòng bao dung... Chính qua những lần gặp gỡ bàn hỏi với "vị thầy tâm linh" này, Ngài đã khơi dậy và chỉ bảo cho tôi những lý tưởng sống cao đẹp, những hy sinh rất tầm thường, những nẻo đường nên tung bước... để luôn biết sẵn sàng dấn thân phục vụ "vì một nước trời cho quê hương".

Tôi còn nhớ vào mùa hè năm 2009, nhân chuyến Ngài đi dự hội thảo chuyên đề cho các nhà đào tạo Chủng viện tại Italia, tôi có dịp được cùng Ngài đi hành hương tại Assisi. Sau khi cầu nguyện trước mộ thánh Phan-xi-cô, Ngài có nói với tôi một câu đầy cảm động: "Cha đã cầu nguyện cho con vững bước trên đường theo Thầy Chí Thánh Giêsu". Thật là tình cờ, cách đây chưa đầy một tháng tôi lại có dịp được đi hành hương Assisi, khi quỳ gối cầu nguyện trước mộ thánh Phan-xi-cô, tôi đã nhớ cầu nguyện cho Ngài và đặc biệt nhớ tới câu nói Ngài dặn dò tôi năm xưa... Tưởng rằng những ngày sắp tới, sau những năm tháng dùi mài kinh sử, sẽ được về chia sẻ những vui buồn của tình thầy trò sau bao năm xa cách nhưng Ngài đã tin tưởng và vội vã ra đi theo tiếng gọi của Thiên Chúa, để lại trong lòng những người học trò nỗi trống vắng, tiếc thương... từ đây thầy trò mãi nghìn trùng xa cách... Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh, chúng ta hãy dâng những nén hương lòng để cầu nguyện cho Cha giáo Đặng Xuân Thành. Xin Chúa sớm đón đưa linh hồn Phê-rô về hưởng nước Trời.

Có nhiều điều thao thức, cảm phục, nhớ thương... nhưng trong giây phút tràn đầy xúc cảm này con xin gửi tới Cha lời chào tạm biệt và lời cảm tạ chân thành. Xin Cha cũng cầu nguyện cho chúng con là thế hệ con cháu, biết noi gương sống chứng tá Tin Mừng giữa cuộc đời lữ thứ trần gian, mong ước mai sau mỗi người chúng con cũng sẽ được Chúa ân thưởng và mời gọi: "Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành, hãy vào hưởng niềm vui của chủ anh!" (Mt 25,21)

 

NHỚ THƯƠNG CHA

Thương nhớ Cha hiền tim nhói đau
Tấm gương ngời sáng mãi ngàn sau
Khiêm nhường ẩn dật thời niên thiếu
Truyền giảng dấn thân tuổi bạc đầu
Vun xới yêu thương tô cuộc sống
Khơi nguồn bác ái tưới ưu sầu
Thánh Tâm nguồn mạch xin thương xót
Dâng nén hương kinh khúc nguyện cầu.
 

Roma, 27/11/2013
Bụi Đá

 

 


 

Đôi dòng tâm sự về cha

"Tại sao trở thành linh mục ư? Đó cũng là kết quả của một tình yêu, và nguyên nhân sâu xa của việc này nằm trong đáy lòng mình." (Lm Phêrô Đặng Xuân Thành)

 

...Ngày...

...Cho tới giờ phút này con vẫn rưng rưng nước mắt khi đọc, khi nghĩ, khi thấy tên của Cha. Con vẫn được Cha dạy sống Đức Tin cho thật tốt mỗi ngày, tỉnh thức và lắng nghe sâu xa tiếng Chúa từng khắc sống. Và con vẫn biết Cha luôn chuẩn bị cho một chuyến đi xa trần gian mãi mãi để trở về quê Trời và cất tiếng xin vâng đáp trả tiếng gọi của Đấng Tối Cao là Tình Yêu mà Cha đã khao khát và đã dâng hiến trọn cuộc đời. Thế nhưng con vẫn khóc, Cha ơi! Nước mắt cứ tự nhiên chảy ra như ngôn ngữ không lời đón Chúa ngày tĩnh tâm thời Dự tòng...
 

Là một trong những người Tân Tòng may mắn được các cha nâng đỡ bằng lời cầu nguyện, con thấy mình có bổn phận làm nhân chứng Tình Yêu Chúa nhiều hơn giữa cuộc đời đầy gió bụi hôm nay. Quanh con lúc này chưa ai biết tới Đức Tin, chưa ai có được Niềm Tin vào Chúa. Con đến đâu, làm gì cũng ở giữa mọi người có suy nghĩ khác con. Có lúc con chao đảo, có lúc con ngã gục, có nhiều ngày, nhiều tháng sống trong Đêm Tối, nhưng khi viết thư cho cha, khi gặp gỡ xin lời khuyên của cha, trở về đời, con đã vững vàng hơn.
Không phải là nghĩa tử của cha, không phải là học trò thật sự của cha, nhưng trong trái tim con luôn khắc ghi ân nghĩa cha đã dành cho con. Có lần 20/11, con tới thăm cha, chúc mừng cha, một trái tim người thầy đích thực, cha cười bảo "Cha có phải là thầy giáo của con đâu". Cha cười vậy thôi nhưng cha đã nhận con là học trò bằng tình thương, bằng những câu chuyện cuộc đời cha đã cho con thêm tin Chúa, theo sát Chúa hơn trong đời sống nhân trần.
 

Cha vẫn hằng đợi con ở cửa ĐCV mỗi chiều Thứ Bảy cuối tháng con tới xin cha linh hướng. Cha vẫn hằng thích khung cảnh tĩnh mịch, đơn sơ nơi phòng nguyện. Cha yêu những bông hoa màu trắng bên những chiếc lá xanh. Cha luôn nhắc con về quan điểm của các nhà thần học hiện đại hôm nay là quan điểm trở về nguồn với Giêsu Nadaret: "Sống đơn giản thôi cho thanh thản cõi lòng".
 

Thời gian thấm thoắt trôi đi. Lá thư cuối cùng con gửi cha ngày 19/11 năm nay, cha đã không đọc được nên cha mới không trả lời. Cha luôn bận rộn nhưng cha luôn tranh thủ thời gian để viết cho con vài dòng bởi cha luôn muốn con kiên vững niềm tin sống với Chúa giữa đời. Cuộc gọi cuối cùng cha cũng đã không thể nào nghe nữa. Con tới bệnh viện chỉ để nhìn thấy cha, quý mến từng giây phút cha còn ở trần gian. Vài ngày trước khi nhận được tin cha đi xa, lòng con đã nhẹ nhàng hơn, thấy vui vui một niềm vui nội tâm sâu lắng. Như vậy là cha đã được nghỉ ngơi rồi. Như vậy là cha đã về ăn Tết sớm. Sẽ là một cái Tết vĩnh cửu, một mùa xuân không bao giờ tàn phai trong lòng Chúa Tình Yêu, cha nhỉ...
 

...Con cứ về sống ơn gọi của con đi... Lời cha dặn giờ đây con đã hiểu. Còn băn khoăn gì nữ về ơn gọi. Là một người được đón nhận Đức Tin và sống với Chúa giữa đời là ơn gọi của con rồi...
 

...Tạm biệt cha giáo của con, hẹn gặp lại cha trong Tình Yêu của Chúa! Con đã thốt lên khi cánh cửa xe tang khép lại. Bàn tay bất giác giơ cao chào cha như chính cha đang dạy con đi thêm một bước gần Chúa hơn trong Đức Tin con đang sống....
 

Hà Nội 29/11/2013 –

Maria Phaolô Hồng Nhung

 

 


 

Lễ viếng cha Phê-rô Đặng Xuân Thành

 

WTGPHN – Thời gian về chiều, dòng người đến viếng cha giáo Phê-rô càng tăng, ai ai cũng đều thể hiện lòng thành kính, mến yêu. Đặc biệt vào lúc 16g00 (28/11/2013), Đức Tổng Giám Mục Hà Nội Phê-rô Nguyễn Văn Nhơn cùng các Đức cha, quý Cha của nhiều Giáo phận đã dâng Thánh lễ cầu nguyện cho cha Phê-rô. Trong các cha hiện diện, có nhiều người là học trò của cha Phê-rô. Chủ sự Thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục Phê-rô xúc động trước thi hài cha Phê-rô.

Trong bài chia sẻ, Đức Cha Giuse guyễn Năng, Giám mục Giáo phận Phát Diệm, nói: "chúng ta biết một con người rất là tài giỏi, rất là thánh thiện, rất là nhiệt thành. Có lẽ một trong mất mát lớn nhất, trước là Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội sẽ mất đi một trong những cột trụ hàng ngày lo công việc đào tạo chủng sinh, các linh mục tương lai. Chúng ta cảm thấy tiếc, bởi vì mất đi một người tông đồ hăng say phục vụ cho lý tưởng tu trì, cho các hội Dòng ở khắp nơi. Người đang hăng say với công việc bổn phận thì Chúa đã gọi ngài về. Chúng ta nhớ tới lời thánh vịnh:

"Con như người thợ dệt, đang mải dệt đời mình,

bỗng bị tay Chúa cắt đứt ngay hàng chỉ" (Isaia 38, 12).

Chúng ta thương tiếc và chúng ta ao ước cha Phê-rô sống mãi với chúng ta để phục vụ cho Hội Thánh. Tuy nhiên cũng trong giờ phút này, chúng ta nhìn lên gương của Chúa Giêsu để thấy tấm gương của Chúa Giêsu là Vị Thượng Tế, là Thầy, là gương mẫu của tất cả mọi linh mục. Cuộc đời của Chúa Giêsu cũng trải qua giai đoạn trần gian rất là ngắn ngủi, chỉ 33 tuổi đời. Chúa Giêsu đang đi rao giảng, đang làm phép lạ, đang mời gọi người ta tin vào Thiên Chúa và đón nhận Nước Trời, nhưng cuộc đời quá ngắn ngủi của Chúa Giêsu đã làm cho nhiều người phải thương tiếc. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng không phải là cuộc đời dài hay ngắn, không phải là làm được nhiều công việc, nhiều thành tích cho bằng cái chất lượng của đời sống. Cuộc đời của Chúa Giêsu 33 năm ở tại trên trần gian có lẽ cũng không có nhiều thành tích hơn chúng ta, nhưng đó là cuộc đời mà Chúa Giêsu đã nói, đã diễn tả trong lời cầu nguyện thánh hiến: "Lạy Cha, con xin thánh hiến chính mình vì họ". Cả cuộc đời của Chúa Giêsu là một đời hiến thánh: hiến mình cho Chúa Cha, hiến mình vì Mầu nhiệm Nước Trời, hiến mình cho các Tông đồ, hiến mình cho nhân loại. Chúa Giêsu quả thực đã tận hiến, sự tận hiến của Ngài được diễn tả tột độ qua sự hiến mình trên cây thánh giá.

Tôi được may mắn biết cha Phê-rô Thành khá lâu. Từ năm 1972 chúng tôi đã quen biết nhau và có thể nói đó là một trong những người bạn thân của nhau. Sau khi kết thúc chương trình học và bị giải tán, bị đuổi khỏi Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X Đà Lạt năm 1977, ngài cũng như tất cả các anh em khác trở về gia đình làm ăn sinh sống. Vào thời điểm còn có rất nhiều khó khăn, ngài cũng hàng ngày đi kiếm sống, đầu tiên là qua sự lao động với gia đình trên Ban Mê Thuột; rồi sau đó về Sài Gòn dịch sách, rỗi cũng đủ mọi nghề lao mình vào cuộc sống hiện tại bấy giờ âm thầm lặng lẽ nhưng trong lòng cũng nuôi lý tưởng của một người tông đồ, lý tưởng của một người tận hiến. Cho tới năm 1981, ngài được Đức cố Hồng y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận nhìn thấy ở nơi ngài một cái mầm, cái nguồn tiềm năng cho Hội Thánh, cho nên chính Đức cố Hồng y đã tín nhiệm trao cho ngài phát triển linh đạo hy vọng, rồi cũng đã cho ngài được phong chức linh mục âm thầm lặng lẽ. Sau chịu chức linh mục, nói nôm na là chịu chức chui, rồi ngài về Sài Gòn. Tôi là một trong những người được ngài báo tin đầu tiên rằng "mình vừa được phong chức chui". Và ngài có ghi lại bài thơ, bây giờ lâu quá tôi quên rồi, nhưng mà đại khái bài thơ về chiếc cầu, mà có lẽ nhiều người có thể cũng đã biết. Đại khái, tôi không nhớ nguyên văn nhưng bài thơ đó thế này:
 

Bên kia là tiếng gọi, bên ni mãi đứng chờ
Đến rồi đoạn cầu nối chờ trăng lên cho tỏ để rõ bước chân đi
Hay còn ở lại bên này chần chừ
Tuy nhiên sau những ít phút giằng co dùng dằng lưỡng lự
Đến rồi đoạn cầu nối, giơ tay chặt chiếc cầu
Để đi là không lại, để đến là không về.

Bài thơ đơn sơ nhưng nói lên tâm trạng một người dứt khoát theo Chúa, ngài hiến thân Chúa vì Hội Thánh: "Vì họ con xin hiến thánh chính mình". Và quả thật, từ giây phút chấp nhận và chọn lựa sống cuộc đời tận hiến âm thầm như thế thì trong suốt bao nhiêu năm. Hàng ngày với chiếc xe đạp, ngài lặng lẽ đạp xe đi dạy cho các cộng đoàn, cho Nhà Dòng, cho những người tận hiến. Rồi trong nhiều năm tháng sống âm thầm trong một cái phòng rất là nhỏ bé ở tại vườn chuối, âm thầm cầu nguyện, dịch sách, viết những bài suy niệm, những bài linh thao. Cho dù gặp rất nhiều khó khăn đối ngoại nhưng ngài rất kiên trì trong ơn gọi của mình. Sau giai đoạn khó khăn nhất thì ngài đã ra Hà Nội phục vụ cho Tổng Giáo Phận Hà Nội, đặc biệt trong Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội. Cũng vẫn là con người với tâm hồn hoàn toàn dâng mình cho Chúa, tận hiến cuộc đời của mình cho Chúa, miệt mài với công việc, hăng say với công việc, không bằng cấp, không đi du học nhưng mà chịu khó học hành, chịu khó tu luyện cho bản thân mình, chịu khó làm việc. Và cho dù có những lúc rất là yếu, mệt mỏi nhưng sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu trong Hội Thánh. Bất cứ ai mời, nếu thời gian còn có thể xếp được là sẵn sàng đi để phục vụ, để giúp người ta gặp gỡ Chúa, để giúp người ta nên thánh.

Xin gợi lại một chút cuộc đời ngài như thế để thấy rằng ngài cũng đã hoạ lại được một phần nào lý tưởng của Thầy Giêsu, của Vị Linh Mục thượng phẩm tối cao. Sự ra đi của ngài làm cho chúng ta buồn, nuối tiếc. Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng cuộc đời của ngài đã được hiến tế cho Chúa, cũng như chính Chúa Giêsu ngày xưa, trước cái chết cũng chỉ biết nói một điều: "Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha". Có lẽ một lúc nào đó trước khi ngài tắt thở, ngài cũng nói lên điều đấy: "Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha". Và giờ phút này chúng ta cũng chỉ biết lặp lại một lời như thế, chúng ta phó thác ngài cho Chúa, để xin Chúa đón nhận của lễ cuộc đời của ngài. Và ước gì tất cả những gì ngài đã gieo trong sự âm thầm, trong lặng lẽ, trong tình yêu mến sẽ được trổ sinh hoa trái dồi dào cho Hội Thánh, cho tất cả mọi người. Ước gì lễ dâng của ngài đem lại cho chúng ta niềm vui thiêng liêng và chúng ta hành diện, bởi vì đã có một người tông đồ sống hoàn toàn cho Chúa và cho Hội Thánh."

Kết thúc Thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục Phê-rô nói đến cha Phê-rô Thành đã được nhiều Đức Cha quý mến. Có những đấng, vì công việc mục vụ không đến được, đã gọi điện hiệp ý cầu nguyện và gửi lời chia buồn với Tổng giáo phận Hà Nội và tang quyến của cha Phê-rô, trong đó có Đức Tổng Leopoldo Girelli, đại diện Đức Thánh Cha tại Việt Nam .

Tiếp sau Thánh lễ lúc 21 giờ 00, các chủng sinh Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội, cơ sở 40 Nhà Chung, đã đến vĩnh biệt người cha, người thầy, người bề trên, người bạn đã từng dạy dỗ, đồng hành và chia sẻ cuộc sống dưới mái trường chủng viện thân thương.

Lễ viếng cha Phê-rô, ngày 28/11/2013, khép lại bằng Thánh lễ cuối cùng trong ngày lúc 22 giờ 30, với sự diện diện của Hội Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội trong bầu khí cầu nguyện thật sốt sắng, thật ngậm ngùi, thật trang trọng, thật chân thành và thương tiếc cha Phê-rô không còn hiện diện hữu hình với chúng ta nhưng đã trở thành tấm gương của sự trung thành, kiên trì bước theo lý tưởng, hăng say làm việc tông đồ, miệt mài trong sự học hỏi, trong sáng và tận tâm trong phục vụ các linh hồn.


 

Cảm nghĩ về cha giáo Phê-rô Đặng Xuân Thành

 

Trước cái chết của cha giáo Phêrô, với những người có niềm tin thì đều hiểu được rằng: nhờ cái chết trong ơn nghĩa của Chúa, cha sẽ được trở về với Đấng là cội nguồn của hạnh phúc. Cha trở về với Thiên Chúa, về nơi cha đã từ đó mà đến trong thế gian và hiện hữu qua vai trò là một mục tử. Như vậy, phần thì vui mừng hân hoan vì từ nay cha được gần Chúa hơn chúng ta, một cuộc sống mà những người có đức tin đều mong ngóng đợi trông, vì đấy là niềm hy vọng của mọi người. Tuy nhiên, hẳn mỗi chúng ta không khỏi những bồi hồi và xúc động trước một tin đau buồn, đột ngột này.

Ngỡ ngàng vì sự ra đi quá đột ngột! Mới sáng hôm thứ tư, 27 tháng 11, tôi được cha giáo Antôn Nguyễn Cao Siêu thông báo ngài bị bệnh nặng, ngay lập tức tôi báo tin cho một vài người anh em đã từng quen biết và đã được ngài chỉ giáo khi còn trong Nam, để cầu nguyện cho ngài. Ai ngờ, 19h 30 cùng ngày, tôi thật bàng hoàng khi nghe tin ngài đã qua đời từ những chị em tu hội Thánh Tâm và các thầy Đại Chủng Sinh của Đại Chủng Viện Hà Nội.

Xúc động vì tại sao thánh ý của Chúa lại kỳ lạ như thế! Cha giáo là một người tài cao trí rộng, ngài đang đảm trách những công việc rất quan trọng trong Chủng Viện (giám học). Sự hiện diện và đóng góp của ngài đã làm cho Chủng Viện phần nào khởi sắc từng ngày. Với tuổi 60, là cái tuổi đang hăng say dấn thân cho sứ vụ. Lẽ ra Chúa phải để cho ngài thêm một thời gian nữa để làm việc. Ai ngờ, Chúa có chương trình của Người và đã gọi ngài về với Chúa.

Tiếc thương! Vì cả cuộc đời của cha giáo gần như sống ẩn dật, âm thầm hy sinh cho mọi người. Nhưng ngài đã không chịu khuất phục trước ngoại cảnh, cha đã tìm mọi cách để học hỏi, đã dùng thời gian tưởng chừng như bi đát dưới con mắt của người đời để sống tinh thần là men, muối và ánh sáng ngay trong những thực tại u ám. "Hữu xạ tự nhiên hương", đời sống chứng tá của ngài đã làm cho nhiều người phải ngưỡng mộ, trong đó phải kể đến giới tu sĩ trong Nam ngoài Bắc. Đến khi được tự do dấn thân phục vụ, thì ngài như người thợ dệt, đang mải dệt đời mình, bỗng nhiên bị tay Chúa cắt đứt ngay hàng chỉ.

Thật vậy, suốt hơn 20 năm linh mục, cha đã sống trong âm thầm. Nhưng dù lúc thận tiện hay không thuận tiện, cha luôn sống và tỏ ra là một người cha nhân ái, một người thầy hết mực yêu thương con cái, luôn thao thức với ơn gọi, và quan tâm đến đời sống tu đức, nhân bản tri thức và thiêng liêng cho môn sinh.

Có lẽ vì thế mà con người của ngài có sức cuốn hút đến khâm phục lạ thường, nên ngay từ khi nghe thấy trang mạng của Tổng Giáo Phận Hà Nội loan tin "Cha giáo Phêrô Đặng Xuân Thành đã được Chúa gọi về", ở nhiều nơi, nhất là tại các học viện, dòng tu, người ta gặp nhau thường tỏ rõ sự tiếc thương cũng như hỏi nhau về chương trình và nơi chốn sẽ an táng ngài để cùng đến tiễn biệt ngài lần cuối.

Có những đấng là thầy dạy của ngài khi xưa đã phải thốt lên: "cha Thành là một sinh viên xuất sắc thời còn học ở học viện Giáo Hoàng Piô X Đà Lạt"; những người bạn học cùng với ngài thì nói: "ngài là một người anh, người em dễ thương, vui tính, luôn sống hài hòa, quân bình, coi trọng tình bạn"; những độc giả đã được diễm phúc đọc các tác phẩm dịch thuật hay chính ngài viết thì nhận định: "ngài là một con người sâu sắc và thông thái"; với giáo dân đây đó, nhất là tại giáo xứ Nam Hải, quận 8, Sài Gòn, nơi ngài đã từng sống âm thầm nhiều năm trời, họ không ngần ngại ca ngợi: "cha Thành là một linh mục sống âm thầm, kiên trì, khiêm tốn"; "mấy chục năm làm linh mục, sống ở giáo xứ, nhưng chỉ nhận mình là một thầy giáo dạy học bình dân mà thôi"; còn những người đã được diễm phúc ngồi trong các giảng đường, được nghe và đón nhận những kiến thức trong các khoa học thánh mà ngài đã quảng diễn thì: "thương cha vô cùng".

Riêng với tôi, tôi thực sự tạ ơn Chúa vì Người đã thương cho tôi gặp được cha giáo Phêrô trong những năm đầu tôi vào vào Sài Gòn, qua những lần linh thao, các cuộc tiếp xúc riêng tư, hay trong những giờ lên lớp, rồi khi ngài đã ra Chủng Viện Hà Nội để dạy học, tôi vẫn thường xuyên liên lạc với ngài qua email..., trong suốt thời gian đó, tôi có cảm nghiệm thật rõ nét là: dù nhỏ bé, yêu đuối và thấp hèn, nhưng trước mắt và trong trái tim của ngài, tôi biết mình được dành cho một vị trí đặc biệt. Nhận định này không chỉ cho riêng cho tôi, mà những người đã được diễm phúc gặp ngài hay tiếp xúc thì đều có chung một nhận định như vậy. Quả thật, ngài biết rõ từng con chiên, con chiên nào đau yếu, ghẻ lở, đui què, với ngài, ngài luôn sẵn lòng yêu thương, thông cảm và tạo mọi điều kiện thuận lợi để cho đương sự an vui, hạnh phúc và thăng tiến. Cha đúng là Mục tử nhân lành, luôn biết các con chiên và sẵn sàng hy sinh vì đoàn chiên, vì sứ vụ (x. Ga 10,14).

Mặt khác, điều làm tôi tâm phục ngài nhất là việc cha sẵn lòng vâng theo tiếng Chúa qua bề trên (lúc đó là Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt) để lên đường với vài ba cuốn sách gọn lỏn trong vali và nhanh nhẹn ra Hà Nội để thi hành thánh ý Chúa. Ngài vẫn biết rằng ra ngoài đó không phải là chuyện dễ dàng về nhiều mặt, nhất là vấn đề sức khỏe, môi trường và khí hậu. Nhưng mang trong mình ngọn lửa nhiệt huyết của nhà đào tạo, tinh thần dấn thân của người tông đồ, ngài đã tâm sự với tôi: "con ạ, cha biết trước những khó khăn, vất vả đang chờ cha, nhưng xác tín rằng: tương lai là của Chúa, cha sẽ sống với hiện tại và chu toàn bổn phận hằng ngày theo ý Chúa là điều tốt nhất. Con cầu nguyện cho cha nhé".

Ngày cha rời Sài Thành, lên đường ra Thủ Đô để nhận sứ vụ mới, tôi không tiễn chân cha được, chỉ biết rằng những ngày sau đó, các sinh viên thần học tại các học viện mà ngài đã tham gia giảng dạy, cũng như nhiều dòng tu trong Miền Nam đã được ngài cộng tác cách này hay cách khác đã tỏ rõ sự luyến tiếc, vì từ nay có thể rất ít được nghe ngài giảng tĩnh tâm, được ngài đồng hành, được thụ huấn trên các giảng đường học viện...

Tiếc thay!

Từ khi nghe thấy tin ngài qua đời, trong tâm trí tôi có những suy nghĩ: cha giáo Phêrô đã không bị tử đạo theo nghĩa đen, nhưng ngài đã cố gắng sống trung thành với Chúa, đơn sơ, khó nghèo, luôn coi ý bề trên là ý Chúa và sẵn lòng từ bỏ mọi sự để ra đi đến những nơi xa lạ vì sứ vụ, thì quả là một cuộc tử đạo liên lỷ trong cuộc đời của ngài. Cha không được đổ máu đào để chứng tỏ lòng yêu mến Thiên Chúa như các anh hùng tử đạo, nhưng cha đã tử đạo bằng cách chọn lối sống tu trì trong tu hội Thánh Tâm, qua 3 lời khuyên Phúc Âm mà cha tuyên khấn, đó là: Khó nghèo, Khiết tịnh, và Vâng phục, thì quả thật ngài đã tử đạo trong tâm rồi.

Thật thế, theo quan niệm các nhà tu đức hiện nay, thì đây là cách tử đạo liên lỉ, sống một cách trung thành với ba lời khấn dòng, từ ngày này qua ngày khác, quả là một cuộc tử đạo đầy tính anh hùng. Cha đã trở thành "Đức Kitô thứ hai", và cha rập đời sống của mình vào một khuôn đúc mới, để xuất hiện trong một hình ảnh mới, hình ảnh Đức Kitô Mục Tử nhân lành.

Đang hăng say phục vụ, căn bệnh hiểm nghèo đã đột ngột đến với cha. Tòa Giám Mục Hà Nội đã kịp thời đưa cha đi cấp cứu, nhưng mọi chuyện trở nên muộn màng khi căn bệnh quá nặng. Một tuần trôi qua, cha nằm hôn mê sâu trong bệnh viện, mọi người đến thăm hỏi, nhưng cha không hề nhúc nhích, lúc này, cha đã trở nên hạt lúa mì gieo vào lòng đất để từ đó được nảy sinh những bông lúa vàng trĩu nặng. Thật thế, cha không lên tiếng, nhưng mọi người lên tiếng thay cho cha, và tinh thần của cha bắt đầu được lan tỏa trong sự kính trọng, yêu mến của nhiều người.

Cha Phêrô ra đi là một sự mất mát to lớn của Tổng Giáo Phận Hà Nội, Đại Chủng Viện Hà Nội, của Tổng Giáo phận Sài Gòn, nơi ngài đã âm thầm phục vụ nhiều năm, của Tu Hội Thánh Tâm, nơi mà ngài đã là thành viên và cũng là bề trên, nhiều dòng tu, học viện, cũng như niềm tiếc thương của nhiều người...

Như vậy, suốt 60 năm làm con Chúa, 32 trong tư cách là mục tử, Cha Phêrô là một nhà tu hành mẫu mực; là một người quản lý các mầu nhiệm của Chúa cách khôn ngoan, tài giỏi; là một tông đồ nhiệt thành; là một nhà giáo dục đào tạo kiên nhẫn, mẫu mực; là một chủ chăn hiền hoà và can đảm, luôn tận tâm hy sinh phục vụ, được nhiều người thương mến. Giờ đây, cha nằm đó trong tư thế bất động, ngài không thể đứng dâng Thánh Lễ cuối cùng của cuộc đời mình với quý Đức cha, các cha trong ban đào tạo, với linh mục đoàn của Giáo phận, các thầy Đại Chủng Sinh, các tu sĩ và với bà con thân thuộc cũng như cộng đoàn Dân Chúa. Nhưng chắc chắn ngài đang cùng với chúng ta dâng lời chúc tụng, tạ ơn, Thiên Chúa và cũng không ngớt lời bầu cử cho chúng ta. Và, có lẽ trong âm thầm, ngài đang nhắn gửi mỗi chúng ta: "Hãy yêu thương nhau như Chúa đã yêu".

Giờ đây, trước lúc chia tay cha, chúng con xin được thân thưa với cha: "chúng con yêu cha, mến cha và nguyện sẽ làm cho tinh thần của cha sống mãi trong trái tim của mỗi chúng con".

Ước gì lời Chúa nói khi xưa:"Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành, Hãy vào hưởng niềm vui của chủ anh!" (Mt 25,21) sẽ là lời tuyên phong cho cha khi cha ra trình diện với Chúa. Amen.

 

Jos. Vinc. Ngọc Biển

 


 

Nhớ về một người thầy

 

Cha Thành

Ngày Cha lâm trọng bệnh cũng là dịp Ngày Nhà Giáo Việt Nam. Về phần mình, bản thân người viết liên tục nhận được bốn tin khác nhau báo cho biết tình trạng nguy kịch của Ngài. Tất cả đều khẳng định rằng Cha rất khó có thể qua khỏi. Quả vậy, sau một tuần lễ lâm bệnh, Cha đã giã từ cõi dương thế ở tuổi 59 đang khi còn ấp ủ rất nhiều dự án trong công việc đào tạo những thợ gặt tương lai cho cánh đồng Giáo Hội Việt Nam. Tận đáy lòng, cá nhân luôn ngưỡng mộ Cha như một nhà đào tạo mẫu mực, vừa uyên bác về kiến thức lại vừa có tấm lòng nhân hậu bao la và lại rất cởi mở trong tiếp xúc nên rất gần gũi với học trò, đặc biệt là chiều sâu đời sống nội tâm. Suốt cả cuộc đời, khi thuận lợi cũng như lúc khó khăn, Cha cống hiến trọn vẹn cho việc đào tạo. Học trò của Cha bây giờ gồm đông đảo các linh mục, chủng sinh, tu sĩ nam nữ ở khắp mọi miền đất nước và ở cả nước ngoài.

Cha chính là món quà mà Thiên Chúa ban tặng cho Giáo Hội Việt Nam trong đó có nhiều giáo phận được may mắn hưởng nhờ. Quê gốc thuộc giáo phận Hà Nội, Cha sinh ra tại Hải Phòng, theo học tại Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X Đà Lạt cho giáo phận Quy Nhơn, chịu chức linh mục cho giáo phận Bắc Ninh, nhưng phần nhiều thời gian lại chọn Saigon làm nơi để âm thầm và miệt mài vãi gieo hạt giống trong lãnh vực giảng dạy, hướng dẫn linh thao, dịch sách và viết bài. Dù trong thời buổi khó khăn, nhưng nhịp độ và hiệu suất làm việc của Cha thật đáng khâm phục mà ngay cả những ai có điều kiện ngoại cảnh thuận lợi cũng chưa chắc thực hiện được như vậy.

Chính trong hoàn cảnh đó, Cha đã tận dụng để trui rèn cho mình về mọi mặt. Mặc dù khóa học tại Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X Đà Lạt còn dang dở, nhưng Cha đã vận dụng phương pháp học hỏi nghiên cứu và những kinh nghiệm quý báu của các bậc thầy để tiếp tục trau dồi kiến thức quý báu cho mình và sinh ích lợi cho Giáo Hội. Đối với Cha, tất cả đều sinh ích lợi vì Cha yêu mến Thiên Chúa và Giáo Hội. Cha đã tìm cho mình một điểm tựa thiêng liêng vững chắc là sống theo linh đạo Tu Hội Đời : « Sống giữa trần gian nhưng không thuộc về trần gian nhưng cho trần gian ». Cũng chính trong thời gian âm thầm này, Cha soạn các môn giảng dậy thần học như Luân Lý Tổng Quát và Chuyên Biệt cũng như Các Bí Tích, dịch và viết nhiều sách giúp cho Tủ Sách Chuyên Đề của Cha ngày càng phong phú, gầy dựng nhóm dịch thuật trong đó thành quả tiêu biểu là bộ Từ Điển Công Giáo Phổ Thông, viết các phiếu huấn luyện cho Tu Hội Đời, tân tâm tận lực giảng dậy trong nhiều khóa thần học cho các nữ tu, các chủng sinh ngoại trú, các thành viên Tu Hội Đời, cho những ai đang tìm hiểu ơn gọi qua khóa tìm hiểu ơn gọi tổng quát, đặc biệt là hướng dẫn và đồng hành trong các đợt linh thao hằng năm. Các cẩm nang hướng dẫn linh thao trong tám ngày và mỗi ngày có năm chủ đề cầu nguyện chẳng hạn: Như Bóng Mát Ven Đường, Điểm Dừng Chân, Đường Về Núi Chúa, Đường Cứu Độ, Hãy Vào Nơi Yên Tĩnh Để Nghỉ Ngơi, Những Bài Gợi Ý Suy Niệm Theo Tin Mừng Matthêu...

Chỉ vài năm cuối đời, Cha mới được xã hội công nhận như là một linh mục thực thụ. Cha khiêm tốn hòa mình vào hàng ngũ cùng với các học trò của mình trong khóa học bổ túc trong vòng một năm để được chính thức là linh mục công khai. Và cũng từ đó, trọng trách của Cha thêm nặng hơn nhiều. Với tư cách là Cha Giám Học của Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội, Cha tốn rất nhiều thời gian, năng lực thể xác và trí óc.

Trước sự đột ngột ra đi của Cha, người đời cho rằng Cha bỏ lại đàng sau bao nhiêu dự định hãy còn dang dở. Nhưng đối với Thiên Chúa, Cha đã kết thúc một hành trình sau bao nhiêu điểm dừng chân để tiến bước về Núi Chúa và để lãnh phần thưởng xứng đáng khi nghe tiếng Chúa mời gọi : Hãy đến hỡi kẻ Cha Ta chúc phúc, hỡi người đầy tớ trung tín, khôn ngoan và tài giỏi, hãy đến lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã được chuẩn bị cho ngươi từ thuở đời đời.

Xin Chúa là Cha nhân từ đón nhận người con Phêrô vào vương quốc của bình an, hoan lạc và sự sống đời đời mà ở đó sẽ không còn nước mắt, đau đớn, « chẳng còn đêm tối và cũng không cần đèn đuốc hay ánh sáng mặt trời chiếu soi nữa, vì Thiên Chúa sẽ chiếu sáng trên những tôi tớ của Người và họ sẽ được hiển trị đến muôn thuở muôn đời ». (Kh 22, 5).

Kính nhớ Cha Phêrô Đặng Xuân Thành

Với tất cả lòng thành kính tri ân

 

Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng

 

 


 

NÉN HƯƠNG LÒNG TÔI THẮP NHỚ …

 

Bạn Thành yêu quý,

Giấc mơ đầu tiên của tôi bị tan vỡ,khi nghe tin Bênêđictô Nguyễn-Hưng sang Mỹ chữa trị ung thư giai đoạn cuối và rồi, mặc cho những lo lắng của người thân, của anh em (trong đó sự nhiệt tình của vợ chồng Võ Thành Tứ đáng kể và đáng nể nhất),cùng những lời cầu nguyện,khẩn nài của ngươi thân,của bạn bè gần xa, người anh em yêu quý ấy của chúng ta cũng đành đoạn giã từ chúng ta để về với Chúa.

Cũng nằm trong giấc mơ đầu tiên ấy – là BẠN – niềm tự hào của Lớp Ngôn Sứ 72, nay cũng đã tan. Bạn cũng nghe tiếng Chúa gọi và vội vàng chia tay chúng tôi,để về với Chúa. Bên cạnh Bạn,giờ phút chia ly trần thế,hẳn không thiếu những người vẫn hằng kính trọng,yêu mến,biết ơn Bạn. Song không có một ai trong chúng tôi, những “tiền bối”,những đàn em và nhất là K.15 ở gần Bạn. Sống mỗi người một nết,chết mỗi người một tật. Còn vhu1ng ta, sống mỗi người một nơi,chết mỗi người một ngã.

Dù sao,giấc mơ của tôi cũng đã vỡ tan.

Giấc mơ ấy, niềm HY VỌNG không chỉ của riêng tôi, không chỉ của Lớp Ngôn Sứ 72, mà có lẽ của rất nhiều anh em Cựu học viên GHHV Đàlạt – là được nhìn thấy HAI BẠN – Nguyễn-Hưng và Đặng Xuân Thành – đứng vào HÀNG GIÁO PHẨM GIÁO HỘI VIỆT NAM. Khi ấy,dù ở chân trời nào, chúng tôi cũng sẽ rủ nhau ve6q chung vui và cảm tạ Thiên Chúa.

Nhìn thấy K.13, K.14 rồi K.16 có Giám Mục “của họ”, Ngôn Sứ 72 chắc mẫm thế nào rồi hai ngôi sao sáng cũng sẽ đem lại vinh dự và vinh quang cho Giáo Hội,cho ngôi trường GHHV và cho K.15. NHƯNG Ý CHÚA NHIỆM MẦU, đã đi ngược mọi tính toan, hy vọng, chẳng khác nào hất ly nước đá vào mặt chúng ta. Nay K.15 chỉ còn Cụ Lê Vinh Hiến cũng đang đầy mình bệnh tật; Cụ Tươi đang chật vật công tác mục vụ dường như không mấy thuận lợi; Cụ Hiền “Lèo” cũng thân mang đủ thứ bệnh, vai mang năng gánh đao tạo linh mục ở Paksé,Lào. Cụ Vàng không có nhiều tin tức. Đinh Đình Chiến ngày xưa chưa thấy người đâu,mà tiếng đã vang vọng khắp nơi,nay cũng chẳng thấy tăm hơi đâu nữa.

Thời gian sinh sống ở Nhatrang, tôi may mắn được khá nhiều anh em Ngôn Sứ 72 hỏi han,thăm viếng: Phạm Văn Hiến “trắng”,Lê Vinh Hiến “Đỏ”, Lê Cường; Võ Thành Tứ,vv…Nhung nhiều lần nhất,phải là Bạn. Bọn mình đã ngồi đối ẩm ở một quán của một người bạn, xa thành phố, nghe mưa rơi đều và thấy lạnh. Tôi thì hay tò mò.Bạn lại không muốn nói nhiều về các công việc của Bạn ở Miền Bắc,nơi Đức Tổng Kiệt mời Bạn đến cộng tác. Thỉnh thoảng tôi “mớm” đôi ba tin về Bạn, ngay lập tức bị Bạn “phản pháo”, ngụ ý gần xa muốn “vô danh” “vô phận” càng nhiều càng tốt, để phục vụ tốt hơn trong xã hội nầy. Tôi vẫn theo dõi tin tức và nhất là công việc của Bạn : giảng dạy, giảng phòng, viết bài ( thường bằng tiêng Anh), dịch sách….Nói về Bạn,chỉ có thể dùng các tính từ: UYÊN BÁC - THÁNH THIỆN - KHIÊM NHƯỜNG - HIỀN HẬU - TẬN TUỴ - VÂNG LỜI.

Tôi muốn ghi lại một trong các bài thuyết trình của Bạn ở Giáo phận Bắc Ninh (Đức Giám Mục Cosma Hoàng-Văn-Đạt).

 

 

 

KHÍA CẠNH MẦU NHIỆM CỦA GIÁO PHẬN BẮC NINH

hay

GIÁO PHẬN BẮC NINH SINH RA VÀ LỚN LÊN TRONG THỬ THÁCH

 

Vạn vật chung quanh chúng ta đang bước vào thời kỳ sau Xuân Phân, chuẩn bị trổ sinh hoa trái, nhưng như Thiên Chúa Tạo Hóa đã định, “cây nào sinh trái ấy” (St 1,11). Mọi tổ chức trong xã hội cũng đang bước vào thời kỳ đổi mới, chuẩn bị hoạt động cách hữu hiệu hơn, nhưng cũng không thể nào đi ra ngoài bản chất và quy luật của mình. Giáo Hội Công Giáo toàn cầu và Giáo Hội Việt Nam nói chung, và giáo phận Bắc Ninh chúng ta nói riêng đang tìm cách canh tân chính mình, với hy vọng phục vụ Thiên Chúa và loài người một cách kết quả hơn, cũng không thể đi ngược lại ý định ban đầu của Thiên Chúa về Giáo Hội. Đây chính là điều chúng ta muốn nói tới khi sử dụng hai chữ “mầu nhiệm” – mầu nhiệm Giáo Hội, mầu nhiệm giáo phận.

Thật vậy, “mầu nhiệm” không phải chỉ là những gì không trông thấy được hay khó hiểu, khó nắm bắt, mà chính là những gì nằm trong bản chất nguyên thủy của thực tại, quy định hướng đi và hướng hoạt động của thực tại ấy. Nếu thế thì thật khó có sự canh tân và phát triển đúng đắn và kết quả đối với bất cứ thực tại nào – huống nữa là đối với một thực tại quan trọng và to lớn như Giáo Hội – mà không bám sát “mầu nhiệm” của mình. Muốn khám phá ra mầu nhiệm cũng là chân tướng của Giáo Hội Công Giáo toàn cầu và Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, cũng như của giáo phận Bắc Ninh chúng ta, chúng ta cần đọc lại lịch sử của chính mình, nhất là trong những bước khởi đầu, không chỉ với con mắt của nhà sử học mà quan trọng hơn, với con mắt đức tin của người ki-tô hữu. Chúng ta sẽ khám phá ra ở đó những yếu tố thường hằng, xuất hiện trong suốt mọi giai đoạn, thậm chí trong các biến cố lớn nhỏ, phản ánh ý định của Thiên Chúa về Giáo Hội và giáo phận mình.

 

1. 1. NHỚ LẠI KHUÔN MẶT “MẦU NHIỆM” CỦA GIÁO PHẬN BẮC NINH

Dựa vào “Lược sử giáo phận Bắc Ninh”, nhất là những kết luận về mỗi thời kỳ, có thể chia quá trình sinh ra và lớn lên của giáo phận Bắc Ninh thành ba thời kỳ : thời kỳ phôi thai từ 1640 đến 1883, thời kỳ tông tòa từ 1883 đến 1955, thời kỳ chính tòa từ 1955 đến nay.

 

1.1. Thời kỳ phôi thai hay từ khi Tin Mừng Đức Ki-tô được loan báo tới khi giáo phận Bắc Ninh được thành lập(1640-1883)

“(1) Không biết việc truyền giáo được khởi sự từ khi nào, có thể trong thập niên 1640, nhưng đến năm 1657 trên phần đất của giáo phận Bắc Ninh đã có 15 nhà thờ;

(2) Đến năm 1673, có thể Bắc Ninh đã có số lượng giáo dân và nhà thờ đáng kể, nên hình nhưKẻ Cốc là địa điểm tiếp giáp hai tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương đã có linh mục đến ở để coi sóc giáo dân ở cả hai tỉnh;

(3) Đến năm 1679 con số nhà thờ ở Bắc Ninh lên đến 32, trong số này 3 nơi được nêu tên là Xuân Hòa, Tử Nê và Đức Trai;

(4) không rõ ai trực tiếp gieo hạt giống Tin Mừng và đặt nền móng cho bắc Ninh, nhưng chắc chắn là các thừa sai Dòng Tên hoặc các thầy giảng do các ngài đào tạo”

 

 

“(1) Việc cống hiến một linh mục tử đạo (cha Giuse Nguyễn Văn Tự dòng Đa-minh quê ở Bắc Ninh nhưng làm việc tại Kẻ Mốt, hay cha Anrê Dũng Lạc quê ở Bắc Ninh nhưng làm linh mục và chết tại Hà Nội, cả hai đều chết năm 1838) cho thấy đức tin đã ăn rễ đáng kể ở Bắc Ninh;

(2) Các vị đầu mục tử đạo (tổng cộng bốn đợt các người lãnh đạo các xứ họ bị bắt dưới thời vua Tự Đức, hay chính xác là từ năm 1859 đến năm 1861, không kể 1 người được tha về không rõ lý do, 2 người quá khóa nên được tha và 3 người chết trong tù, là 100 người) là giáo dân ở các xứ họ, hầu hết ở trong hay chung quanh tỉnh Bắc Ninh hiện nay, chứng tỏ lúc ấy sự hiện diện của đạo Công Giáo đã rất đáng kể;

(3) Những nơi xa như phần lớn tỉnh Bắc Giang trở đi không có vị đầu mục nào: sự hiện diện của người Công Giáo ở đó, nếu có, cũng chưa đáng kể;

(4) các bị tử đạo đa số là dân quê ít học và trình độ giáo lý chắc rất sơ sài, vừa vì hoàn cảnh bách hại, vừa vì thiếu người dạy, nhưng sự kiên vững trong đức tin thật đáng kính phục: các ngài theo đạo không vì điều gì khác ngoài đức tin”

 

1.2. Thời kỳ tông tòa (1883-1955) hay từ khi giáo phận Bắc Ninh được thành lập nhưng vẫn dưới sự lãnh đạo của các vị trực tiếp đại diện Tòa Thánh cho tới khi hàng giáo phẩm Việt Nam được chính thức thành lập với đầy đủ quyền hạn trên Giáo Hội của mình

Suốt trong 72 năm của thời kỳ tông tòa, Bắc Ninh và các tỉnh phụ cận đã dần dần có đượcnhững nét định hình cần thiết của một giáo phận: không chỉ về con số cơ sở và nhân sự đông đảo và không ngừng gia tăng (tính tới năm 1942 tổng số giáo dân là 58.728; nếu con số linh mục, chủng sinh, thầy giảng, nữ tu, các nhà thờ lớn nhỏ… của năm này không được ghi rõ trong thống kê thì ít là trong năm 1925 có 79 linh mục dòng lẫn triều, 81 chủng sinh, 114 thầy giảng, 220 nữ tu trên tổng số giáo dân là 38.042, 446 xứ lẫn họ, 306 nhà thờ nhỏ lẫn lớn), mà cả sự thống nhất rất rõ, từ phục tùng một quyền bính gần như luôn có người đại diện là giám mục giáo phận, cho tới chỗ theo đuổi một linh đạo hết sức cụ thể là linh đạo của dòng Đa-minh và thực hành một nếp sống chịu ảnh hưởng sâu đậm truyền thống Công Giáo của Giáo Hội Tây Ban Nha. Chúng ta sẽ càng thấy những thành quả này thật đáng kể, khi biết chúng được sinh ra trong một hoàn cảnh khốc liệt như thế nào, cả về kinh tế và chính trị lẫn xã hội và văn hóa. Chỉ cần nhớ đây là thời kỷ có nhiều kitô hữu tử đạo nhất, cũng là thời kỳ tử đạo của 100 vị đầu mục Công Giáo của giáo phận Bắc Ninh (4.4.1862).

 

1.3. Thời kỳ chính tòa (1955 đến nay) hay từ khi thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam đến nay

Kể từ năm 1960 Giáo Hội Công Giáo Việt Nam mới chính thức được quản trị trực tiếp bởi các giám mục Việt Nam với đầy đủ quyền hạn. Nếu thế thì tính từ thời điểm đó tới nay, giáo phận Bắc Ninh mới có 3 giám mục chính tòa là đức cha Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng (1963-1994), đức cha Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến (1994-2006) và đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt (2008 đến nay). Gần 50 năm (1963-2012), một thời gian chưa dài đủ để có thể nói dứt khoát về giáo phận Bắc Ninh, càng chưa dài đủ để quả quyết về tương lai của Giáo Phận, nhưng cũng tương đối đủ để có thể hình dung ra Giáo Phận và hoạch định phần nào về tương lai của Giáo Phận.

Gần 50 năm sống trong thời kỳ chính tòa – không kể những năm gần đây – là những năm giáo phận Bắc Ninh, cùng với các giáo phận khác của miền Bắc, rồi của cả đất nước, sống trong những khó khăn không thua kém gì những khó khăn trong thời kỳ phôi thai và tông tòa. Nhưng cũng như trong các thời kỳ đầu tiên ấy, giáo phận Bắc Ninh luôn chứng tỏ sức sống kiên vững và dồi dào. Bằng chứng không chỉ là nhân sự tăng lên dần (từ 30 ngàn giáo dân năm 1954 lên tới 125 ngàn rải rác trong 84 giáo xứ và 335 giáo họ, từ 1 linh mục rưỡi như người ta thường nói đùa mà thật tới 65 linh mục và 8 phó tế, từ vài ba chủng sinh đến 36 chủng sinh và 75 dự tu, từ vài ba nữ tu cho tới 67 nữ tu dòng Đa-minh, 228 nữ tu tu hội Hiệp Nhất, 20 hội viên tu hội đời nữ Thánh Tâm Chúa Giêsu…), mà cơ sở cũng thế (không chỉ các nhà thờ được tu sửa hay xây mới, mà còn có Trung Tâm Mục Vụ trong khuôn viên Tòa Giám mục, Đền Thánh Mẫu Từ Phong…) và nhất là nếp sống đạo vừa căn bản vừa có khả năng thích nghi với văn hóa địa phương.

Tuy nhiên, cũng tựa như vạn vật và các tổ chức nhân loại không sinh hoa trái thêm là bắt đầu cằn cỗi, không tiến là lùi, giáo phận Bắc Ninh cũng không bằng lòng với những con số vừa kể mà còn mong muốn đi xa hơn cho tới khi trở thành Giáo Hội đúng như sự chờ đợi của Thiên Chúa. Đó là chưa kể những thay đổi trong lãnh vực kinh tế, chính trị, rồi xã hội, văn hóa của đất nước đã ảnh hưởng rất nhiều đến lòng tin và đời sống đức tin của giáo hữu.Vì thế, mọi thành phần Dân Chúa của Giáo Phận đã quyết tâm bắt tay vào việc canh tân Giáo Phận, dưới sự lãnh đạo của hàng giáo phẩm, mà bắt đầu là nhận diện cho ra những nét thường hằng đã làm nên khuôn mặt mầu nhiệm của Giáo Phận trong bao nhiêu thế kỷ qua. Nhận diện ra được những yếu tố thường hằng trong khuôn mặt Giáo Phận như thế sẽ giúp chúng ta ý thức nếu trong quá khứ Giáo Phận đã có thể sinh ra và lớn lên được với những yếu tố ấy thì cũng vậy, cả trong hiện tại trước mắt lẫn trong tương lai xa, giáo phận Bắc Ninh khó lòng đạt tới chiều kích Thiên Chúa mong muốn, nếu bỏ qua những yếu tố này.

 

1. 2. NHẬN DIỆN NHỮNG NÉT THƯỜNG HẰNG TRONG KHUÔN MẶT ‘MẦU NHIỆM’ ẤY

Trong khuôn mặt lịch sử của giáo phận Bắc Ninh, dù chưa chắc sẽ nhận dược sự nhất trí của mọi người, chúng ta cũng có thể thấy lộ ra một số nét thường xuyên gặp thấy nơi Giáo Phận – qua con người và biến cố, qua cơ sở và sinh hoạt. Như

 

2.1. Một Giáo Hội sinh ra và lớn lên trong thử thách và tin yêu: Trong 372 năm tồn tại (1640-2012) từ một nhóm người bắt đầu tin theo Đạo tới chỗ trở thành một giáo phận trên vài vạn người có tổ chức quy củ, hầu như chưa bao giờ chúng ta không trải qua thử thách – nếu không thử thách về mặt thể lý thì về tinh thần, đôi khi tới mức “chết người”, nếu không thử thách từ bên ngoài thì từ bên trong Giáo Hội. Tuy nhiên, lý do lý giải tại sao cộng đoàn giáo phận Bắc Ninh không suy sụp, kể cả khi còn như trong trứng nước, là vì mọi người, từ trên xuống dưới, đều hết lòng tin tưởng yêu kính Chúa và anh chị em mình.

Trong thời kỳ phôi thai có thử thách từ bên trong Giáo Hội như sự tranh chấp quyền hành giữa các thừa sai Dòng Tên với các giám mục thuộc Hội Thừa Sai Paris, hay như sự giáo dục đức tin ít ỏi khiến không ít người chấp nhận chối bỏ đức tin để được an thân hoặc các kitô hữu chưa gây được ảnh hưởng tích cực trên đồng bào. Thử thách từ bên ngoài như những trở ngại địa lý và giao thông khiến Bắc Ninh trở thành “vùng sâu vùng xa” của giáo phận Đông Đàng Ngoài không được các nhà truyền giáo lui tới thường xuyên, hay như những cuộc bách hại thời các chúa Trịnh (thế kỷ 18), thời Tây Sơn (thế kỷ 18), thời các vua nhà Nguyễn (thế kỷ 19).

Trong thời kỳ tông tòa xem chừng ít có sự thử thách từ bên trong hơn từ bên ngoài. Với sự có mặt ngày càng sâu của Tây Phương vào Việt Nam, các vị giám quản tông tòa có điều kiện phổ biến Tin Mừng, xây dựng cộng đoàn và củng cố đức tin cách dễ dàng hơn, không chỉ tập trung tại Bắc Ninh mà còn mở rộng về phía Bắc (Bắc Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang…) và về phía Nam và Tây (Vĩnh Phúc…). Nhưng các thử thách bên ngoài vẫn còn như những trở ngại giao thông, thời tiết và khí hậu, phong tục và tập quán, não trạng và thói quen của con người, và nhất là càng về sau càng nhiều cuộc bách hại từ nhà cầm quyền, kể cả chiến tranh.

Cuối thời kỳ tông tòa và đầu thời kỳ chính tòa, các thách thức từ chiến tranh, chính sách và chính quyền chẳng những không ngớt mà còn gay gắt hơn. Lần này, chính các giám mục phải trực tiếp hứng chịu những thách thức này. Đó là chưa kể sự thách thức từ nay sẽ vừa mang tính toàn diện và thường xuyên (chứ không chỉ về một phương diện hay chỉ do một số người, hoặc chỉ trong một khu vực hay trong một giai đoạn nào đó), vừa sâu sắc và cay chua hơn nhiều. Chúng ta có thể nhìn vào thực tế thiếu thốn của các cơ sở thờ phượng và tu tập, trình độ nhận thức và kinh nghiệm không đủ của các nhân sự làm việc từ cao xuống thấp, thái độ và cách sống đức tin giữa đời, nếu không sớm biến chất thì ít là thụ động, của nhiều tín hữu… để đo được phần nào những hậu quả không tốt do các thách thức ấy gây ra.

 

2.2. Một Giáo Hội sinh ra và lớn lên trong trung thành và thích nghi: Dù ở thời kỳ phôi thai hay tông tòa hoặc chính tòa, dù sống trong giai đoạn thuận lợi hay bất lợi, tín hữu giáo phận Bắc Ninh cũng được quan tâm dạy dỗ những điều căn bản và chính thống của đức tin Kitô Giáo. Có mấy ai không thuộc và không hiểu các kinh Nghĩa Đức Tin tóm tắt gần như đầy đủ đức tin Kitô Giáo, rồi Mười Điều Răn Chúa và Sáu Điều Răn Hội Thánh, Cải Tội Bảy Mối, Thương Người Mười Bốn Mối, Tám Mối Phúc Thật? Có mấy ai là không được hướng dẫn tham gia phụng vụ và kinh nguyện, các việc đạo đức nổi tiếng như lần hạt Mân Côi, ngắm các mầu nhiệm của Chúa trong tuần Thương Khó… và Dâng Hoa kính Đức Mẹ?

Tuy nhiên, không ai quên những nỗ lực thích nghi đức tin và thích nghi lòng đạo với văn hóa dân gian Việt Nam, không chỉ do các cố Tây sáng tạo mà nhiều hơn, do chính các kitô hữu Việt Nam thực hiện. Thử nghĩ đến cách tổ chức nhà xứ với Ban Hàng Phủ (Ban Hành Giáo), nhà xứ với họ lẻ, các phường hội hay họ (Họ Mân Côi, Họ Gia Trưởng, Phường Kèn, Phường Trống, Đội Dâng Hoa, Nghĩa Binh…). Thử nghĩ đến những lễ hội Công Giáo cho thỏa tâm hồn sính lễ hội của người Bắc Ninh, như các lễ dâng hoa kính Đức Mẹ vào tháng 5, lễ kính thánh Đa-minh “Đầu Dòng”… Trong các lễ ấy và nhiều lễ khác như các lễ trọng hay lễ kính có liên quan đặc biệt với xứ họ như lễ kính thánh quan thầy, hoặc trong các lễ có đức giám mục tham dự, người ta khó lòng bỏ qua không đưa các nhạc cụ dân gian và cờ quạt vào buổi lễ và nơi hành lễ. Lễ tang cũng được tổ chức trọng thể với cờ quạt và nhạc cụ, dù không quên làm nổi bật ý nghĩa của sự sống lại… Thử nghĩ đến các ca vè với nội dung là Kinh Thánh hay giáo lý, và hình thức là các làn điệu quan họ phổ thông…

 

2.3. Một Giáo Hội sinh ra và lớn lên trong phẩm trật và trách nhiệm: Phải công nhận phần lớn truyền thống sống đạo của giáo phận Bắc Ninh, thậm chí trong đó có nhiều yếu tố còn sống mạnh cho tới hôm nay, là do sáng kiến và sự gan dạ của nhiều giám mục trong thời kỳ tông tòa và chính tòa. Tuy nhiên, cũng không thể xem nhẹ hai đức tính căn bản nơi các tín hữu: một đàng rất tôn kính và vâng phục hàng giáo phẩm, đàng khác rất trách nhiệm và tự giác. Bằng chứng sống động nhất là sự tử đạo của 100 đầu mục hay các chức sắc lớn nhỏ trong các xứ họ. Đây có lẽ là một trong những nét nổi bật của đời sống đức tin tại giáo phận Bắc Ninh, và cũng có thể là một trong những lý do quan trọng giải thích tại sao đức tin và lòng đạo vẫn còn sống động rất lâu nơi các tín hữu khi chung quanh không có cơ sở thờ phượng hay sách bổn sách kinh, không có linh mục hướng dẫn hay tu sĩ giải thích, dù có thể đức tin và lòng đạo ở mức ấy đã đủ cho con người trong thời đại trước, nhưng không còn đủ nữa cho con người thời đại hôm nay (x. Thư Chung mùa Chay năm 2012 của Tòa Giám Mục Bắc Ninh). Đó cũng là một trong những nét đáng gọi là truyền thống của đời sống đức tin giáo phận Bắc Ninh: không chì xuất hiện trong thời kỳ phôi thai hay tông tòa, mà ngay cả trong thời kỳ chính tòa – nhất là trong mấy thập niên gần đây – hàng ngũ các giáo dân tích cực (không chỉ trùm quản mà còn nhiều tông đồ giáo dân tự nguyện) vẫn tiếp tục đóng vai trò chẳng những làm cầu nối giữa hàng giáo phẩm và tín hữu, mà có khi còn làm người tiên phong và sáng kiến trong nhiều lãnh vực.

 

 

1. 3. ĐỐI CHIẾU VỚI CHÂN DUNG MUÔN ĐỜI CỦA GIÁO HỘI CHÚA KITÔ

Thật ra, những nét thường hằng trong khuôn mặt của giáo phận Bắc Ninh mà chúng ta vừa thử lặt lảy ra trên đây cũng vốn là nhũng nét cố hữu trong chân dung muôn đời của Giáo Hội Chúa Ki tô. Chỉ cần nhìn vào Giáo Hội sơ khai và nhất là nhìn vào chính Đức Kitô – vị sáng lập Giáo Hội – như đã được phản ảnh trong các sách Tân Ước, chúng ta cũng đã có thể thấy những đường nét ấy ở mức độ rộng lớn và sâu sắc hơn nhiều.

 

3.1. Có lẽ chưa có Giáo Hội ở thời đại nào và địa phương nào bị thử thách mà vẫn tin yêusâu xa và rộng lớn như Giáo Hội sơ khai: bị thử thách vì không được Nhà Nước Rôma và Giáo Hội Do Thái Giáo nhìn nhận, thậm chí tìm cách tiêu diệt trong một thời gian lâu dài (từ thế kỷ 1 đến tiền bán thế kỷ 4). Đáng kể hơn nữa là bị thử thách về chính nội dung đức tin của mình do chính những kitô hữu còn non kém hay có tham vọng: niềm tin Đức Giêsu là đấng Cứu Độ duy nhất và là đấng cứu độ loài người chỉ bằng tình thương của Ngài thể hiện qua cái chết và sự phục sinh của Ngài đã nhiều lần bị làm nhẹ bớt đi, xuyên tạc hay thậm chí phản bác bởi nhiều quan niệm và thái độ của một số kitô hữu chịu ảnh hưởng sâu đậm của Do thái Giáo và một số nền triết học đương thời. Thực tế ấy có thể làm các kitô hữu sơ khai bất ngờ và hốt hoảng một lúc, nhưng sau đó đã được họ giải quyết bằng cách nhìn lại chính con người, cuộc sống và giáo lý của Đức Kitô: Ngài đã chẳng tiên báo “Người ta không thể không đối xử với anh em, như đã từng đối xử với Thầy” hay sao (x.Ga 15,20)?

 

3.2. Cũng chưa có Giáo Hội ở thời nào và địa phương nào có khả năng trung thành bằng cách thích nghi xuất sắc như Giáo Hội sơ khai. Không chỉ giải thích lại Do Thái Giáo và mà còn hội nhập nền văn hóa nổi trội đương thời là La Hy vào đạo Kitô để thanh lọc và nâng cao, luôn luôn bằng cách đối chiếu với con người, cuộc sống và giáo lý của Đức Kitô. Chỉ cần nhớ lại quyết định của công đồng Giêrusalem về việc buộc hay không buộc các kitô hữu tân tòng giữ luật Môsê hay không, nhớ lại cách giải thích các mầu nhiệm Cựu Ước như những hình bóng báo trước của các mầu nhiệm Tân Ước, nhớ lại lập trường cương quyết của các tông đồ về vai trò của thân xác trong kế hoạch cứu độ và sự sống lại của thân xác trong ngày cánh chung, nhớ lại quan niệm hôn nhân bất khả phân ly và hôn nhân bí tích của các kitô hữu…, như một vài thí dụ tiêu biểu. Giáo Hội sơ khai mạnh mẽ làm việc này không phải chỉ để tồn tại trong hoàn cảnh khó khăn, mà chính vì tin chắc rằng Đức Kitô là đấng cứu độ duy nhất của nhân loại, giáo lý Ngài là mặc khải trọn vẹn và chắc chắn về Thiên Chúa và con người, giáo hội do Ngài sáng lập là trung gian có đủ tư cách nhất để dẫn con người tới ơn cứu độ cuối cùng… Khi còn sống trên đời, chính Đức Giêsu cũng xác tín về sứ mạng của mình, về vai trò của Giáo Hội như thế, nên đã không ngại ngùng điều chỉnh và hoàn thiện những cơ chế, luật lệ, cách sống và não trạng thời thượng của con người, đôi khi còn mạnh dạn tới mức dẹp bỏ hẳn, cho dù có phải vì thế mà bị chống đối và hãm hại (x. Ga 2,19; 4,23-24).

 

3.3. Còn nếu muốn trả lời câu hỏi tại sao Giáo Hội sơ khai bị hạn chế như thế lại có thể thành công vượt bậc – không chỉ tồn tại mà còn phát triển tới mức vừa rộng vừa sâu như Giáo Hội của các thế kỷ sau đã làm chứng, thì có lẽ phải nói thẳng rằng được như thế là vì Giáo Hội sơ khai vừa giữ được tôn ti trật tự vừa tạo điều kiện phát huy tinh thần trách nhiệm của mọi thành phần trong Giáo Hội – một Giáo Hội sinh ra và lớn lên trong phẩm trật và trách nhiệm. Tôn ti trật tự đã sớm thành hình trong Giáo Hội và luôn luôn được bảo vệ, đến nỗi không có sự “đặt tay” của các tông đồ thì nhiều hành vi thờ phượng trong Giáo Hội chưa có tính bí tích và không hiệu lực, không có quyết định và sự sai phái của các tông đồ thì nhiều việc làm – kể cả những việc làm đáng kể nhất – sẽ không có giá trị Giáo Hội, không có sự phân định và phán xét cuối cùng của các tông đồ thì nhiều ơn huệ phi thường nhất không được coi là đoàn sủng Thánh Thần ban cho Giáo Hội, không có mệnh lệnh cuối cùng của các hội nghị như công đồng Giêrusalem thì vần đề vẫn chưa được giải quyết và tình trạng của nhiều người sẽ bị bỏ ngỏ… Thế nhưng, trật tự ấy không phải là trật tự giết chết sáng kiến và hủy hoại tinh thần trách nhiệm của mọi ngưởi trong Giáo Hội. Ngay từ đầu, bên cạnh các tông đồ lãnh đạo, đã có đông đảo giáo dân có tên có tuổi hẳn hoi như vợ chồng Aquila và Priskila, gia đình anh Ônêxiphorô và nhiều người khác nữa, mà chúng ta có thể đọc thấy ở đầu hay cuối mỗi lá thư của thánh Phaolô. Rõ ràng các giáo dân không chỉ là những người hưởng thụ Tin Mừng, mà còn là các cộng tác viên đắc lực truyền bá Tin Mừng. Và không chỉ cộng tác ở mức vừa phải, mà tới mức sẵn sàng chết vì đạo, như các tài liệu lịch sử, của cả đạo lẫn đời, đã ghi rõ. Hiện nay, ngay trong phụng vụ đã có không ít giáo dân thời Hội Thánh sơ khai được kính nhớ như các vị thánh tử đạo tiên khởi : các thánh nữ Phêlicita và Perpêtua chẳng hạn.

Chính Đức Giêsu khi còn sống trên đời này đã chẳng vừa luôn thách thức người Do Thái tìm thấy Ngài vi phạm lề luật, vừa luôn sáng tạo trong các hành động của mình, chỉ vì đối với Ngài vinh quang của Chúa Cha và kế hoạch của Chúa Cha về việc cứu độ loài người là trên hết (x. Ga 5,19.26.30).

Đến đây, chúng ta đã có thể an tâm về những nét thường hằng trong khuôn mặt giáo phận Bắc Ninh mà chúng ta đã thử nhận diện trong hành trình lịch sử Giáo Phận. Đó không phải là những hướng đi nhất thời, cũng không phải chỉ là những hậu quả của hoàn cảnh lịch sử, mà còn là những điều kế thừa được từ chính Giáo Hội sơ khai và từ chính Đức Kitô – đấng sáng lập ra Giáo Hội. Chúng đã trở thành một phần trong mầu nhiệm của Giáo Hội Chúa Kitô, một phần trong bản sắc và chân tướng của Giáo Hội Chúa Kitô. Bổn phận còn lại của chúng ta hôm nay chỉ còn là vui vẻ và tự hào tiếp nhận chúng, hăng hái và đồng lòng phát huy chúng. Rồi chúng ta sẽ thấy “đất nước ấy trổ sinh nhiều hoa trái” (Tv 85,13).

 

 

Ngày mai,28/111,là NGÀY LỄ TẠ ƠN ở nước Mỹ. TRONG CHÚA,TẤT CẢ ĐỀU LÀ HỒNG ÂN.Tôi muốn mượn lời của Bạn – kết thúc bài thuyết trình – để làm một lời chia tay Bạn và lời nhắn nhủ với anh em chúng tôi,những người sẽ vẫn mãi yêu mến Bạn:

Bổn phận còn lại của chúng ta hôm nay chỉ còn là vui vẻ và tự hào tiếp nhận chúng, hăng hái và đồng lòng phát huy chúng. Rồi chúng ta sẽ thấy “đất nước ấy trổ sinh nhiều hoa trái” (Tv 85,13).

 

XIN CẦU CÙNG CHÚA CHO TÔI TỚ TÍN TRUNG CỦA NGƯỜI:

LINH MỤC PHÊRÔ ĐẶNG XUÂN THÀNH

 

 


 

TIỂU SỬ LINH MỤC PHÊRÔ ĐẶNG XUÂN THÀNH

Ngày sinh: 23/9/1954
Lễ quan thày: 29/6
Giáo sư Đại chủng viện
Đặc trách tu sĩ
Thụ phong linh mục: 26/12/1981
Địa chỉ: Đại chủng viện Hà nội, 40 Phố nhà chung, Hà nội
Về Nhà Chúa : 27/11/2013

Ngoài ra, Cha còn là dịch giả của rất nhiều cuốn sách liên quan đến Công Giáo. Dưới đây là một số tác phẩm do Ngài dịch.

1. Những Vị Thánh Làm Đảo Lộn Thế Giới - Thánh AnTôn Vị Thánh Khổ Hạnh

Nxb Tôn Giáo
Tác giả: Nhiều Tác Giả. - Dịch giả: Đặng Xuân Thành.
Số trang: 128 Hình thức bìa: Bìa mềm
Kích thước: 14.5 x 20.5 Ngày xuất bản: 12 - 2008

2. Những Vị Thánh Làm Đảo Lộn Thế Giới - Thánh Phanxicô Assisi Vị Thánh Của Tình Yêu

Nxb Tôn Giáo
Tác giả: Nhiều Tác Giả. - Dịch giả: Đặng Xuân Thành.
Số trang: 192 Hình thức bìa: Bìa mềm
Kích thước: 14.5 x 20.5 Ngày xuất bản: 06 - 2008

3. Tiếng Gọi Yêu Thương - 30 Bài Suy Niệm Cho 30 Ngày

Nxb Phương Đông
Tác giả: Anthony De Mello. - Dịch giả: Đặng Xuân Thành.
Số trang: 158 Hình thức bìa: Bìa mềm
Kích thước: 14x20 Ngày xuất bản: 03 - 2009

4. Thánh Nữ Têrêxa Avila - Vị Thánh Hay Xuất Thần

Nxb Tôn Giáo
Tác giả: Nhiều Tác Giả. - Dịch giả: Đặng Xuân Thành.
Số trang: 160 Hình thức bìa: Bìa mềm
Kích thước: 14.5x20.5 Ngày xuất bản: 06 - 2009

5. Gọi Tên Thượng Đế Nxb Phương Đông
Tác giả: Dominique Morin. - Dịch giả: Đặng Xuân Thành. Nguyễn Anh Tuấn.
Số trang: 256 Hình thức bìa: Bìa mềm
Kích thước: 14x20 Ngày xuất bản: 10 - 2008

6. Từ Điển Công Giáo Phổ Thông

Nxb Phương Đông
Tác giả: Đặng Xuân Thành. - Dịch giả: Nhóm Chánh Hưng.
Số trang: 736 Hình thức bìa: Bìa cứng
Kích thước: 16 x 24 Ngày xuất bản: 08 - 2008

7. Những Vị Thánh Làm Đảo Lộn Thế Giới - Thánh Augustinô Vị Thánh Của Trí Tuệ

Nxb Phương Đông
Tác giả: Đặng Xuân Thành.
Số trang: 112 Hình thức bìa: Bìa mềm
Kích thước: 14x20 Ngày xuất bản: 05 - 2008

8. Làm Phụ Nữ Để Yêu Chúa
LUCIENNE SALLÉ , CHUYỂN NGỮ: LM. PHÊRÔ ĐẶNG XUÂN THÀNH

9. NHỮNG NẺO ĐƯỜNG THEO CHÚA KI-TÔ
(CHỈ NAM HƯỚNG DẪN CÁC ƠN GỌI TRONG GIÁO HỘI)
Bản dịch Việt Ngữ của LM Đặng Xuân Thành