HÃY CỨU LẤY DALAT

1 2 3 4

Dalat

Viện Đại học Dalat biết hòa hợp kiến trúc của của Trường L’École des Enfants de troupe (Thiếu sinh quân Pháp) xưa với ngôi nhà nguyện mới Năng Tĩnh trên đỉnh đồi, mà tháp chuông khối tam giác vươn cao lên nền trời xanh với hai lỗ tam giác cân ở mỗi cạnh. Hàng năm khoảng mùa gió từ tháng 9 đến tháng 11, gió phản xạ và khuếch tán khi luồn lách qua những lỗ trống nầy tạo nên những tiếng hú tiếng rít lạ thường. Do hiện tượng nầy mà đồi Năng Tĩnh được đám sinh viên gọi đùa là đỉnh gió hú (nhại theo tác phẩm Wuthering Heights của Emily Brontë). Rồi còn Trung tâm nguyên tử lực với kiến trúc hiện đại, đầy tính biểu tượng, nhưng không hề phá vỡ cảnh quan kiến trúc chung…

e. Hệ thống giáo dục của Dalat thời ấy (7) quá đa dạng và rộng khắp. Nào trường công – trường tư, trường Tây – trường Ta, trường dòng, trường nội trú – ngoại trú, trường kỹ thuật, trường quân sự (Võ bị quốc gia, Chiến tranh chính trị, Chỉ huy và tham mưu, Cảnh sát dã chiến…). (Viện Đại học Dalat của HĐGMVN với Phân khoa Chính trị Kinh doanh thu hút sinh viên toàn quốc từ vĩ tuyến 17 trở xuống và Phân khoa Thần học của GHHV, phân khoa Thần học duy nhất của VN được công nhận Văn bằng QG).

Dalat có tham vọng trở thành Trung tâm Văn hóa – Giáo dục của cả nước (4) và nghe đâu chính quyền lúc ấy muốn biến Dalat trở thành Trung tâm Văn hóa – Giáo dục của Đông – Nam – Á. Dù là trường nào đi nữa, với không khí học tập của mình, môi trường sống đầy nhân văn, kỷ luật nghiêm ngặt của các trường nhất là các trường dòng, với đường nét kiến trúc độc đáo đầy cá tính, Dalat đã thực sự đóng góp cho bản thân và cả nước một phong cảnh tuyệt vời và một thành phố du lịch, nghỉ mát, giáo dục lý tưởng.

Lần đầu tiên đặt chân lên xứ hoa đào, tôi hoàn toàn là kẻ ngoại đạo đối với bộ môn kiến trúc – quy hoạch; cái nhìn của tôi đối với Dalat lúc bấy giờ hoàn toàn hồn nhiên do cảm xúc và sự ngưỡng mộ tự nhiên mang lại. Với tôi, Dalat khi ấy là một thành phố huyền ảo lung linh, mát lạnh với gam màu trầm buồn, một màu xanh xám diệu vợi và mờ mờ nhân ảnh trong sương khói… Hình ảnh đó của Dalat in sâu vào tim óc tôi mãi mãi không thể nào quên được.

Dalat

Các dinh thự, trụ sở chính quyền và các công trình quan trọng khác hầu hết tập trung theo đường Yersin (để nhớ đến người có công khám phá Dalat, ngày nay đổi lại là đường Trần Phú). Biệt thự, kiến trúc đặc trưng của Dalat phân bố khắp nơi, lẩn khuất trong rừng thông và tập trung nhiều nhất tại khu vực các con đường Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, Lê Lai. Các biệt thự nầy được thiết kế rất độc đáo, không hề trùng lặp và bám vào địa hình, địa thế khu đất xây dựng, phù hợp với môi trường chung quanh, hòa nhập vào khung cảnh thiên nhiên nơi nó tọa lạc.

Khu thương mại được bố trí về một phía (Bắc-Tây-Bắc hồ Xuân Hương) gồm chợ mới, khu Hòa bình và các khu phụ cận. Hồ Xuân Hương chiếm vị trí trung tâm điểm nhìn của khung cảnh Dalat. Toàn cảnh khu vực rộng lớn phía Bắc hồ Xuân Hương gần như hoàn toàn trống trải để tầm nhìn bao quát đến tận đỉnh Langbian. Các công trình xây dựng được duy trì ở mức độ hạn chế tối đa, chỉ có vài ngôi biệt thự đầu bờ hồ, tòa Giám mục. Xa hơn là Giáo hoàng học viện, trường Bùi Thị Xuân và Viện Đại học. Còn lại chỉ là những không gian mở như đồi cù (golf), vườn hoa Bích Câu.

Các công trình kiến trúc khu vực nầy hòa lẫn vào khung cảnh thiên nhiên, không che khuất tầm nhìn từ khu Trung tâm. Các công trình tu viện, trường học được bố trí phân tán khắp nơi, hòa hợp công năng với địa hình chung quanh. Nhìn chung, kiến trúc và cảnh quan (landscape) Dalat có sự hòa điệu nhịp nhàng, được sắp đặt theo một trật tự có chủ định ngay từ đầu, đã tạo nên một toàn cảnh (panoramic view) thân thiện, thoải mái và đầy ấn tượng cho bất cứ ai có dịp hạnh ngộ.

Đó là cái nhìn thuở ban đầu sơ ngộ, còn Dalat đã được quy hoạch như thế nào và việc áp dụng vào thực tế ra sao?

 

II. QUY HOẠCH ĐÔ THỊ DALAT (Urban Planning)

Chúng ta đều biết những yếu tố chính hình thành nên Dalat. Đó là:

- Khí hậu;
- Cao độ - địa hình;
- Rừng thông;
- Mặt nước.

Dalat quả đúng là viên trân châu mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho quê hương. Thật hiếm có một đô thị bé nhỏ nào như Dalat mà hội tụ đủ những điều kiện về danh lam thắng cảnh để nghỉ ngơi, du lịch, khám phá (bao nhiêu thác ghềnh, hồ suối, rừng núi, thung lũng…ngay trong một không gian nhỏ bé nội vi thành phố. Theo website của Bộ Xây dựng có đến 60 khu du lịch sinh thái!). Ngoài ra Dalat còn sở hữu một bộ sưu tập phong phú về động vật và thực vật, là xứ sở của các loài hoa và rau quả ôn đới…Tuy nhiên Dalat có cả tính chất đô thị rõ nét (gồm cả mạng lưới kỹ thuật hạ tầng (infrastructure) không những đáp ứng đầy đủ nhu cầu của cư dân địa phương mà cho cả khách du lịch toàn quốc vào lúc cao điểm (peak time).

Màu sắc chủ đạo của Dalat chắc ai ai trong chúng ta cũng đều nhận ra ngay, đó chính là gam màu xanh: màu xanh của núi rừng, của thông, của hồ nước kết hợp với màu xanh của bầu trời.

Dalat là trường hợp đặc biệt trong lịch sử phát triển đô thị nước ta. Chưa từng có thành phố nào khi mới bắt đầu xây dựng đã xác định rõ tính chất thành phố và được xây dựng theo một quan niệm Quy hoạch hoàn chỉnh như Dalat. Tính chất của Dalat là thành phố du lịch nghỉ mát của Đông Dương và cả Viễn Đông. Dalat là một đô thị hình thành giữa rừng thông, tuân thủ nguyên tắc chủ đạo quy hoạch (planning guidelines) là thành phố trong rừng và rừng trong thành phố.

Trong nửa đầu thế kỷ XX, đồ án quy hoạch Dalat đã được thiết lập theo ý tưởng của thị trưởng Paul Champoudry và các kiến trúc sư Ernest Hébrard, Pineau, Mondet và Lagisquet.

1. Theo Pineau, trong các bản tường trình ngày 12-3-1906, Paul Champoudry - Thị trưởng Dalat - đề nghị dành vùng đồi ở phía Bắc cao nguyên Langbian, phía hữu ngạn suối Cam Ly cho khu vực quân sự và vùng đất phía Nam ở tả ngạn suối Cam Ly cho thành phố trong tương lai. Ở đây sẽ thiết lập khu công chánh và hành chánh, một trung tâm thương mại bên cạnh chợ và ở khu trung tâm phố, khách sạn và giải trí trường. Nhà ga ở gần vị trí của ga ngày nay và kế bên là nhà bưu điện. Đường sá tương đối rộng: lộ giới đường chính rộng 20m, đường phụ rộng 16m và 12m. Về sau, đồ án này được thực hiện một phần lớn và tạo cơ sở cho thành phố ngày nay.

Năm 1921, kiến trúc sư Ernest Hébrard nhận nhiệm vụ thiết lập đồ án quy hoạch Đà Lạt. Tháng 8 năm 1923, công trình này được hoàn thành. Hébrard có một tầm nhìn rất rộng. Ông dự kiến xây dựng Đà Lạt thành thủ phủ của Liên bang Đông Dương. Theo bản đồ quy hoạch, dọc theo dòng suối Cam Ly hình thành một chuỗi hồ: ngoài hồ Xuân Hương và hồ Than Thở như hiện nay, còn có 6 hồ nước khác mà hai hồ lớn nhất nằm ở vị trí trường Võ bị Quốc gia (có nhà thủy tạ) và ở giữa đường Hoàng Diệu và Hoàng Văn Thụ trước khi dòng suối chảy đến thác Cam Ly.

 

ĐỒ ÁN QUY HOẠCH ĐÔ THỊ ĐÀ LẠT CỦA KTS ERNEST HÉBRARD

Dalat

1. Hồ bơi
2. Bệnh viện Việt Nam
3. Bệnh viện Pháp
4. Câu lạc bộ thể thao
5. Chợ
6. Chùa
7. Dinh Thị trưởng
8. Đài vô tuyến điện
9. Khách sạn
10. Ngân hàng
11. Nghĩa địa tạm thời
12. Nhà nghỉ mát
13. Nhà thờ
14. Phủ Cao ủy
15. Phủ Toàn quyền
16. Phủ Thủ hiến Nam Kỳ
17. Sân cù
18. Sân quần vợt
19. Suối cải tạo
20. Thủy tạ
21. Tòa Thị chánh
22. Tổng kho tiểu công nghiệp
23. Trại bảo an
24. Trường học
25. Trường nam trung học
26. Trường nữ trung học
27. Văn phòng
28. Nhà bảo tàng
29. Viện điều dưỡng

Tư tưởng chủ đạo của Hébrard là tập trung vùng dân cư xung quanh hồ. Ở phía Bắc thành phố là khu quân sự. Khu bệnh viện trải dài từ đường Phạm Ngọc Thạch đến đường Trần Bình Trọng. Khu Toàn quyền nằm ở vị trí trường Võ bị Quốc gia gồm có 7 toà nhà dành cho Phủ Toàn quyền và các bộ: kinh tế, công chánh, tài chánh, nông nghiệp, thuỷ lâm,... Khu hành chánh nằm dọc đường Trần Phú ngày nay với công trường (place publique), tháp đồng hồ, toà thị chính, kho bạc, bưu điện, sở cảnh sát, thư viện, hội trường, rạp chiếu bóng, sở cứu hoả, bảo tàng dân tộc học, động, thực vật,...Khu vui chơi, giải trí ở khu vực giữa hồ và khách sạn Langbian Palace với hội trường, casino, quán cà phê, phòng đọc sách, sân quần vợt, vườn hoa,... Khu thể thao gồm có sân vận động, hồ bơi nằm ở phía Bắc hồ Xuân Hương. Hai vườn hoa được bố trí ven hồ, trong khu vực Nhà nghỉ công đoàn (biệt thự BS Sohier – TCV Kontum) và gần góc đường Bà Huyện Thanh Quan và Đinh Tiên Hoàng. Phía Nam hồ Than Thở là khu đất dành cho đồn điền của Ngân hàng kỹ nghệ Trung Hoa. Đường Dalat - Sài Gòn đi qua ngả Khe Sanh.

Ý tưởng QH ban đầu do thị trưởng Champoudry lúc ấy đề nghị vùng đồi núi phía Bắc cao nguyên Langbian, phía hữu ngạn suối Cam Ly dành cho khu quân sự và vùng đất phía Nam ở tả ngạn suối Cam Ly dành cho thành phố tương lai, nơi sẽ hình thành khu hành chánh và công chánh, một trung tâm thương mại bên cạnh chợ và ở trung tâm thị tứ, khách sạn và casino. Nhà ga xe lửa ở gần vị trí ga ngày nay và kế bên là bưu điện. Đường sá được dự trù tương đối rộng rãi: đường chính lộ giới 20m, đường phụ rộng từ 12 – 16m (Pineau, trong bản tường trình ngày 12 mars 1906). Ý tưởng nầy được thực thi phần lớn và đặt nền móng cho thành phố hôm nay.

2. Năm 1933, kiến trúc sư Louis Georges Pineau đưa ra một đồ án chỉnh trang và mở rộng Dalat thực tiễn hơn. Ông cố gắng bảo toàn các danh lam thắng cảnh ở Dalat, dành một khu vực rộng lớn hình cánh quạt mà tâm điểm là Dalat và tỏa ra đến tận các đỉnh núi Langbian cho khu bất trúc tạo (zone non oedificandi) và đề nghị thành lập Vườn quốc gia. Thành phố vây quanh hồ, tạo thành một đường vòng cung từ Tây sang Đông Bắc.

Dalat

3. Năm 1940, kiến trúc sư Mondet thiết lập một đồ án quy hoạch và chỉnh trang Dalat. Đồ án của ông trở về với quan niệm cũ của Hébrard là bố trí những vùng dân cư và hành chánh xung quanh hồ. Mặc dù đồ án của Mondet có nhiều chỗ được nghiên cứu rất đầy đủ nhưng đồ án không được duyệt.

Dalat vào cuối thế kỷ XIX có thể hình dung: một con đường mòn in dấu chân người, một vùng đồi cỏ trải dài đến tận chân núi Langbian, đó đây vài mái nhà sàn, một sự im lặng ngự trị trên một vùng đất gần như hoang sơ...

Đến năm 1942, một thành phố xinh đẹp hiện ra với những đường phố rộng rãi, những biệt thự duyên dáng giữa những vườn hoa và thảm cỏ xanh tươi, mặt hồ phẳng lặng. Dalat là một nơi nghỉ mát quan trọng nhất không những của Đông Dương mà cả Viễn Đông.

Tuy nhiên lúc đó Dalat vượt khỏi giới hạn và phát triển quá mức. Nhiều khu phố được hình thành một cách vội vã và mất trật tự. Chánh quyền phải can thiệp. Thành phố cần có một đồ án quy hoạch chỉnh trang có uy lực về pháp lý.

4. Bằng Nghị định ngày 2-9-1941, Toàn quyền Decoux giao cho Nha Thiết kế đô thị và Kiến trúc Đông Dương nghiên cứu và hoàn thành đồ án, đồng thời đề ra biện pháp bảo vệ trong thời gian chờ đợi công bố văn bản pháp quy.

Trong tờ trình ngày 8-12-1942, kiến trúc sư Jacques Lagisquet - Giám đốc Nha Quy hoạch đô thị và Kiến trúc Đông Dương đã đánh giá Dalat: “Không ai có thể phủ nhận Dalat chiếm một vị trí đặc biệt thuận lợi ở Viễn Đông, khí hậu, danh lam thắng cảnh, tiềm năng phát triển làm cho Dalat thành một nơi được ưu đãi, không nơi nào có thể so sánh được. Dalat có thể và phải trở thành một nơi nghỉ mát lớn ở Viễn Đông”.

Dựa theo ý của kiến trúc sư Pineau, Lagisquet thiết lập đồ án chỉnh trang và phát triển Dalat với những nét chính sau:

- Thành phố không còn giống như một đường thẳng kéo dài từ Đông sang Tây nhưng có chiều sâu hơn và tạo nên một thể thuần nhất.

- Không kéo dài Dalat nhưng tập trung quanh hai trục chính.

- Dalat được mở rộng về hướng Nam, Tây Bắc. Cảnh quan về hướng núi Langbian là khu bất trúc tạo, được bảo vệ dành cho khu du lịch, rừng núi, những khoảng trống, những khu đất dành cho thể thao và trò chơi.

- Trung tâm thành phố ở phía Nam của Hồ Lớn, gồm có casino, chợ,...

- Khu nhà ở nằm ở phía Tây và phía Đông thành phố.

- Làng của người Việt được hình thành ở phía Tây Bắc, Đông Nam, trên đường dẫn đến D’ran. Dalat mang tính chất một thành phố - vườn, chung quanh nhà của nông dân hay thợ thủ công là một mảnh vườn.

- Ở ngoại ô thành phố, một vùng đất nhượng địa trải dài về phía Tây Bắc, Đông Nam thành phố và trong tỉnh Langbian dành cho các nông trại trồng rau, chăn nuôi và cung cấp sữa.

Ngoài ra, Dalat còn đảm nhận tính chất đặc biệt: thành phố giáo dục và trung tâm thanh niên (trại huấn luyện, trại trường hướng đạo sinh, thanh niên học sinh…). Khu vực dành cho xây dựng các trường học được rải đều khắp thành phố tuỳ thời cơ thuận lợi. Những ngôi trường chính được đầu tư để phát triển. Những khoảng đất trống rộng lớn được dành cho sân vận động, sân golf (đồi cù), các trò chơi thể thao,... Sân bay cũ được dùng để cắm trại.

Lagisquet chia khu du lịch thành hai khu: vùng Tây Bắc là khu bảo tồn thực vật, không được khai thác, để giữ gìn cảnh quan núi Langbian; vùng lâm nghiệp cho phép chặt gỗ thường xuyên nhưng phải tôn trọng thắng cảnh và khai thác hợp lý. Khu du lịch, lâm nghiệp, thể thao chiếm 3/5 diện tích thành phố Dalat (khoảng 200 km2).

Mặc dù Dalat không phải là một thành phố công nghiệp vì đất đai và khoáng sản nghèo nàn, Lagisquet cũng đề ra một vùng công nghiệp gần đường giao thông và xa vùng trung tâm để tránh ô nhiễm môi trường.

 

ĐỒ ÁN CHỈNH TRANG VÀ PHÁT TRIỂN ĐÀ LẠT CỦA KTS LAGISQUET

Dalat

1. Nhà liên kế và biệt thự song lập
2. Làng người Việt
3. Biệt thự
4. Toà thị chính
5. Khu khách sạn
6. Casino, câu lạc bộ
7. Văn phòng Chính phủ trung ương
8. Dinh Toàn quyền
9. Nhà Quản đạo
10. Khu Thương mại người Âu
11. Khu Thương mại người Việt
12. Chợ mới
13. Sở Địa dư
14. Cư xá Công chánh
15. Cư xá Bưu điện
16. Cư xá người Đông Dương
17. Trường học
18. Khu bệnh viện
19. Khu thể thao – sân vận động
20. Trại thanh niên
21. Trung tâm văn hoá
22. Bảo tàng Dân tộc học
23. Khu bất trúc tạo
24. Khoảng trống

 

PHỐI CẢNH TRUNG TÂM ĐÀ LẠT THEO ĐỒ ÁN CỦA KIẾN TRÚC SƯ J. LAGISQUET

Tiền cảnh : Giải trí trường, câu lạc bộ, vườn hoa
Trung cảnh : Văn phòng Chính phủ trung ương và bến đậu xe
Hậu cảnh : Trường trung học Yersin
 

Tiền cảnh : Văn phòng Chính phủ trung ương

Dalat

 

PHỐI CẢNH TRUNG TÂM ĐÀ LẠT CỦA KTS JACQUES LAGISQUET

Dalat

Trung cảnh : Giải trí trường và câu lạc bộ; bên trái : dinh Toàn quyền và vườn hoa

Hậu cảnh : Khách sạn mới, trung tâm văn hóa, khách sạn Langbian Palace, nhà thờ và chợ mới

Lagisquet nêu ra cách bố trí cụ thể:

Nước: Một hồ chứa nước ở thượng lưu suối Cam Ly cung cấp nước cho thành phố. Sau đó, nước được gạn sạch, khử trùng và lọc lại rồi bơm vào các hồ chuyển tiếp phân phối cho toàn thành phố. Vấn đề cung cấp nước ở Dalat rất phức tạp vì tính chất thành phố - vườn, phạm vi và địa hình của thành phố.

Điện: Nhà máy nhiệt điện hiện cung cấp điện cho khu dân cư thành phố. Sau khi nghiên cứu, những công trình cho phép sử dụng thủy năng đã được tiến hành ở Ankroët. Theo dự đoán, hai nhà máy được kết hợp sẽ cung cấp điện cho thành phố đến năm 1970.

Tận dụng vật tiệu có trong nước, nhà máy Ankroët cho phép trong vòng một năm rưỡi nâng công suất từ 800kW lên 1.500kW. Công suất thặng dư giúp một mặt mở rộng mạng lưới điện và mặt khác thiết lập hệ thống xe điện và những trạm bơm nước cho vùng trồng rau trong khi chờ đợi đập Đa Nhim được xây dựng.

Đường sá giao thông: Về tổng thể, tôn trọng hệ thống giao thông hiện nay và tuỳ khả năng nâng cấp bằng cách tạo đường dốc thấp hơn, mở rộng đường cho phù hợp với phương tiện giao thông. Do đó, cần nới rộng các đường Yersin, Paul Doumer, Jean O’Neil, Albert Sarraut, Lamartine (nay là đường Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Hoàng Văn Thụ, Thống Nhất, Bà Huyện Thanh Quan).

Đường lớn nhất ở Dalat là đường Yersin, có hai mặt đường rộng 9m cho xe hơi, xen vào giữa là hàng cây rộng 3m, lề đường rộng 4,5m.

Đường Lamartine đi vòng quanh bờ hồ có một đường chính rộng 12m và hai đường phụ dành cho người cỡi ngựa và đi xe đạp.

3 trục đường chính sau đây được nâng cấp để giúp cho giao thông dễ dàng:

1. Đường Graffeuil, Doumer, Yersin, O’Neil (nay là đường Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Hoàng Văn Thụ);

2. Đường Robin, Albert Sarraut, Cam Ly hạ (nay là đường Quang Trung, Thống Nhất, Phạm Ngũ Lão);

3. Đường Pasteur (nay là đường Hai Bà Trưng) dẫn đến ấp Đa Thành và Dankia.

Hầu hết các ngã tư cũng được thay đổi.

Để phục vụ cho các cư xá mới Cam Ly, Jean Decoux, Saint Benoît, Lagisquet dự kiến mở những con đường mới với chiều rộng thay đổi tuỳ theo địa hình.

Lagisquet cũng dự kiến xây dựng những bãi xe hơi chủ yếu ven hồ, gần giải trí trường và câu lạc bộ, chợ mới và khu thương mại.

Vườn hoa: Trước dinh Toàn quyền, Lagisquet thiết kế một công viên lớn kéo dài đến tận bờ hồ. Trước trung tâm văn hóa và thư viện có một lối đi với nhiều bậc cấp.

Trung tâm hành chính ở gần bờ hồ hướng về vườn hoa trên bờ Bắc.

Giữa khu giải trí trường và câu lạc bộ, phía sau giải trí trường, Lagisquet dự kiến thiết lập một vườn hoa dành cho thiếu nhi.

Vườn hoa cũng được bố trí trước nhà ga và hai bên bờ suối Cam Ly (8).

Như vậy lướt qua các đồ án QH trước đây qua các thời kỳ, chúng ta nhận xét chúng đều thống nhất ở các điểm sau:

- QH tổng thể (master plan) Dalat có dạng hình tia (rẽ quạt) theo ý tưởng của kiến trúc sư Louis Georges Pineau mà tâm điểm là hồ Xuân Hương.

- Phân khu chức năng rõ ràng. Khu ở phân biệt khu người Âu và khu dân bản xứ.

- Khu vực phía Bắc hồ Xuân Hương trải dài đến chân núi Langbian là khu bất trúc tạo, trở thành không gian mở và là tiền cảnh rộng thoáng cho tầm nhìn từ khu vực trung tâm

 

5. Các đồ án Quy hoạch hiện nay:

+ Đồ án quy hoạch tổng thể xây dựng Đà Lạt và vùng phụ cận do Viện Quy hoạch Đô thị Nông thôn – Bộ Xây dựng lập và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 620/TTg ngày 27/10/1994. Theo đó:

- Về tính chất: Thành phố Dalat là một trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng của vùng, cả nước và quốc tế; là tỉnh lỵ của Lâm Đồng, trung tâm văn hóa, dịch vụ, đầu mối giao lưu kinh tế quan trọng của tỉnh, đồng thời là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học của cả nước.

- Về quy mô dân số: thành phố và vùng phụ cận đến năm 2010 là 200.000 người; trong đó dân số nội thành Dalat là 180.000 người. Ngoài ra số khách “vãng lai”, khách lưu trú “dài ngày” chừng khoảng 1 triệu khách/năm.

Đồ án được thiết lập “trên cơ sở” đánh giá hiện trạng như sau:

- Mỗi năm có từ 800-1000 ngôi nhà được xây dựng trong đô thị Dalat;

- Khu dân cư đô thị phát triển nhanh, nhiều lô đất được quy hoạch làm khu dân cư để bán lấy tiền xây dựng hạ tầng…như ở công trình kiến trúc các khu đô thị khác, làm cho bố cục không gian thành phố nghỉ mát đặc thù bị phá vỡ;

- Đường phố trở nên chật hẹp gây nhiều nguy hiểm;

- Đất nông nghiệp mở rộng nhanh chóng, chủ yếu lấn vào đất rừng;

- Các khu rừng cảnh quan, danh lam thắng cảnh, công trình kiến trúc bị khai thác cạn kiệt và một số bị tàn phá, bị bỏ quên;

- Khí hậu ngày càng nóng lên;

- Môi trường tự nhiên, văn hóa, xã hội ngày càng xuống cấp. Có thể nói, Dalat đang bị đe dọa mất đi những nét đặc sắc của mình, nhất là về không gian, môi trường.

Dalat

Dalat
 MÔ HÌNH QH CHỈNH TRANG KHU TRUNG TÂM DALAT
Chúng ta để ý không còn Hội trường Hòa Bình. Nhà cao tầng mọc lên ở ấp Ánh Sáng, Nguyễn Chí Thanh, Phan Bội Châu, 3 tháng 2 (Duy Tân)…

+ Năm 2001, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2020, được Viện Quy hoạch Đô thị Nông thôn – Bộ Xây dựng lập. Đồ án nhắm kết hợp cảnh quan tự nhiên trong bố cục không gian được hình thành qua quá trình phát triển theo các đồ án trước. Cụ thể cấu trúc Dalat phát triển từ hồ Xuân Hương làm tâm điểm bám sát địa hình tỏa ra nhiều hướng theo hình rẽ quạt (ý tưởng L.G.Pineau) với hướng phát triển chính:

- Hướng Bắc-Tây-Bắc: Trọng tâm là khu Suối Vàng – Dankia.

- Hướng Nam – Đông – Nam: Trọng tâm là hồ Tuyền Lâm với tuyến sản xuất công nghiệp (!)

- Hướng Bắc-Đông-Bắc: Phát triển du lịch sinh thái (ecological) rừng.

Quy hoạch là một lãnh vực phức tạp, đòi hỏi kiến thức đa ngành, vừa chuyên sâu, có tầm “vĩ mô”(macrostructure) và có sự hợp tác của nhiều chuyên gia đầy kinh nghiệm, tôi không dám luận bàn. Tôi chỉ dám mạo muội đưa ra các cảm nhận từ suy nghĩ cá nhân, qua theo dõi các đồ án quy hoạch hiện hữu:

- Đồ án QH chưa xác định được tính chất chủ yếu nhất của Dalat (quá nhiều mục tiêu) để làm tiền đề cho định hướng phát triển không gian của thành phố một cách đúng đắn, bền vững.

- Chưa nêu được vấn đề bảo tồn với môi trường, cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc Dalat như một di sản cần phải giữ gìn và tôn tạo.

- Đồ án chưa xác định được hướng phát triển Dalat theo đúng nét đặc thù, bản sắc riêng của Dalat; nó vẫn mang những nét chung chung như bất cứ đồ án QH các TP nào trong cả nước.

Từ đó tôi có cảm giác là đồ án QH Dalat hiện nay thể hiện ý chí của chính quyền (chủ đầu tư): muốn khai thác tối đa Dalat vì mục đích thu lợi. Ý đồ đó thể hiện rõ ở chỗ gia tăng dân số vô tội vạ, tăng cường và kêu gọi tham gia các dự án đầu tư, gia tăng diện tích xây dựng, gia tăng số lượng nhà phố, tăng tầng cao xây dựng, giảm dần diện tích khu bất trúc tạo, khu bảo tồn thiên nhiên. Ý đồ đó càng thể hiện rõ ở chỗ chính quyền TP muốn nâng Dalat lên thành đô thị loại 1 (và điều đó ngày nay đã được mãn nguyện…(9))

<....>

Mời xem tiếp

1 2 3 4

 

 

 


CHÚ THÍCH:

(4) Đặc biệt từ năm 1958, sau Đại hội Lâm Viên – Đà Lạt, chánh quyền Sài Gòn với Chương trình khai thác Cao nguyên Trung phần muốn biến Đà Lạt thành một trung tâm du lịch quốc tế, đã mở ra hướng dịch vụ mới về giáo dục và nghiên cứu khoa học. Hàng loạt các trường học, trung tâm văn hóa và cơ sở nghiên cứu ra đời vào thời kỳ này, có thể kể đến Viện Đại học Đà Lạt, Giáo hoàng Học viện, Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử, Thư viện Đà Lạt... Nhiều công trình phục vụ du lịch, các sơ sở tôn giáo cũng tiếp tục được xây dựng và sửa chữa, như chợ Đà Lạt, phi trường Liên Khương, nhà thờ Cam Ly, chùa Linh Phong. Đà Lạt trước năm 1975 cũng đã là một thành phố đa dạng về tôn giáo với hơn 40 ngôi chùa cùng các nhà thờ, tu viện của 29 dòng tu Công giáo.

(7) Trong khoảng thời gian 1945 đến 1954, mạng lưới giáo dục của thành phố phát triển rộng khắp với 20 trường học. Cuối thập niên 50 sang thập niên 60, Đà Lạt tiếp tục giữ một vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục của Việt Nam Cộng hòa với 61 trường học, Đà Lạt thời kỳ này tuy bình yên nhưng ít được xây dựng thêm, đáng chú ý chỉ có tu viện Dòng Chúa cứu thế, ngày nay là trụ sở Viện Sinh học Tây Nguyên, và Trường miền núi Lang bian. Trong số này đặc biệt phải kể đến Viện Đại học Đà Lạt, Giáo hoàng Học viện Piô X và các cơ sở đào tạo quân sự: Trường Võ bị Quốc gia, Trường Chiến tranh Chính trị và Trường Chỉ huy Tham mưu.

(8) KS Nguyễn Hữu Tranh.

(9) Ngày 23 tháng 3 năm 2009, Đà Lạt được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là đô thị loại một trực thuộc tỉnh Lâm Đồng.



Xem các bài viết khác trong Lớp Ngôn sứ , Khoá 15 GHHV Đà Lạt Việt Nam.