Các cuộc hành trình truyền giáo của Phaolô

1 2 3

Seeing

 

 

Câu hỏi Giáo Lý
“Con muốn biết là trước khi Thánh Phaolô (Paul) chết, Ngài đã lập được bao nhiêu cộng đồng và Ngài đã rao giảng ở những vùng nào?” ( Hải Yến)

 

(2) Hành trình truyền giáo lần thứ ba

Cũng như hai lần trước, chúng ta ôn lại một vài niên biểu quan trọng của giai đoan này.

-Cuộc truyền giáo lần thứ ba, khoảng năm 53 đến năm 57;
-Viết hai thư gửi giáo dân Côrintô , là Thư I và II Corinthians; và thư gửi giáo dân miền Galatia, khoảng năm 56;
-Viết thư gửi tín hữu ở Roma, khoảng năm 57;
-Về thăm Giêrusalem lần thứ năm, và bị bắt tại đó, năm 57.

Chuyến đi truyền giáo lần thứ ba nhắm vào Ephêsô. Ngài đã hẹn Ephêsô là sẽ trở lại. Ở đó có ông bà Aquilla và Priscilla chờ đón Ngài.

Chuyến đi này được kể lại đầy đủ trong sách Tông Đồ Công vụ chương 18 câu 23 đến chương 21 câu 26 .

Sau khi nghĩ ở Antiokia một thời gian ngắn, Ngài lại lên đường, theo đường bộ qua miền Galatia và Phrygia , rồi đi thẳng tới Ephêsô : “rồi xuống An-ti-ô-khi-a.23 Sau khi ở đó một thời gian, ông ra đi, lần lượt qua miền Ga-lát và Phy-ghi-a và làm cho tất cả các môn đệ được vững mạnh. “ ( TđCv 18, 23)

Tại Ephêsô, chúng ta có câu chuyện về ông Apollô.

Dường như Apollo là một người Do thái rất thành tâm tìm kiếm chân lý, nhưng vì bỏ quê hương lưu lạc sang Ephêsô khá lâu, trước khi Chúa Giêsu xuất hiện, nên ông chỉ biết tới Gioan Tẩy giả mà thôi. Vì vậy tại Ephêsô, ông kể lại những biến chuyển tại quê nhà. Ông lại có tài ăn nói, am tường Kinh Thánh, nên giảng dạy tại Hội đường. Người Do thái tha hương tại Êphêsô tin theo những lời ông nói, và ông thi hành phép rửa cho họ, theo kiểu của Gioan Tẩy giả. Ông rửa tội như thế được chừng 12 người.

“Có một người Do-thái tên là A-pô-lô, quê ở A-lê-xan-ri-a, đã đến Ê-phê-xô; ông là người có tài hùng biện và thông thạo Kinh Thánh.25 Ông đã được học Đạo Chúa; với tâm hồn nồng nhiệt, ông thường lên tiếng giảng dạy chính xác những điều liên quan đến Đức Giê-su, tuy rằng ông chỉ biết có phép rửa của ông Gio-an.26 Ông bắt đầu mạnh dạn rao giảng trong hội đường. Sau khi nghe ông nói, bà Pơ-rít-ki-la và ông A-qui-la mời ông về nhà trình bày Đạo của Thiên Chúa cho ông chính xác hơn.” ( TđCv 18,24-26)

Ông bà Aquilla và Priscilla nghe biết ông, mời ông về nhà và nói cho Apollo nghe về Đức Giêsu. Khi Apollo muốn sang Achaia, đảo trấn Hylạp có thành phố Corintô, các tín hữu bên Ephesô mới viết giấy giới thiệu Apollo với các tín hữu bên đó.

Sang Achaia, Apollo giúp cho các tín hữu Hylạp rất nhiều, nhất là trong việc tranh luận với người Hylạp. “27 Ông A-pô-lô muốn sang miền A-khai-a thì các anh em khuyến khích ông và viết thư xin các môn đệ tiếp đón ông. Khi đến nơi, nhờ ơn Chúa, ông đã giúp ích nhiều cho các tín hữu,28 vì ông mạnh mẽ và công khai bẻ lại người Do-thái, dẫn Kinh Thánh mà minh chứng rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô. “ (TđCv 18, 27)

Khi Phaolô tới Êphêsô, Ngài gặp nhóm tín hữu do Apollo giáo dục này, và hỏi họ đã có nhận lãnh Thánh Thần chưa. Họ trả lời chưa hề nghe biết có Thánh Thần, và phép rửa họ chịu là phép rửa của Gioan. Phaolô mới giảng thêm cho họ về Đức Giêsu, Đấng đến sau Gioan. Họ tin theo, được rửa tội và nhận Thánh Thần. “Ông Phao-lô gặp một số môn đệ2 và hỏi họ: "Khi tin theo, anh em đã nhận được Thánh Thần chưa? " Họ trả lời: "Ngay cả việc có Thánh Thần, chúng tôi cũng chưa hề được nghe nói."3 Ông hỏi: "Vậy anh em đã được chịu phép rửa nào? " Họ đáp: "Phép rửa của ông Gio-an."4 Ông Phao-lô nói: "Ông Gio-an đã làm một phép rửa tỏ lòng sám hối, và ông bảo dân tin vào Đấng đến sau ông, tức là Đức Giê-su."5 Nghe nói thế, họ chịu phép rửa nhân danh Chúa Giê-su.6 Và khi ông Phao-lô đặt tay trên họ, thì Thánh Thần ngự xuống trên họ, họ nói tiếng lạ và nói tiên tri.7 Cả nhóm có chừng mười hai người.” ( TđCv 19,1-7)

Sau chuyện này, Phaolô tiếp tục rao giảng trong hội đường ở Êphêsô chừng ba tháng, tranh luận và biện bạch với họ về “Nước Thiên Chúa”.

Khoảng thời gian này, Ngài mượn một phòng học của một “thầy hiệu trưởng” tên là Tyranus và , trong vòng hai năm, giảng dạy tại đó. Bản Kinh thánh Codex Bezae ( TđCv 19,9) thêm chi tiết này :"from the fifth hour to the tenth- từ giờ thứ năm cho đến giờ thứ mười “ nghĩa là từ 11 giờ trưa cho đến 4 giờ chiều: “Ngày ngày ông thảo luận trong trường học của ông Ty-ran-nô.10 Cứ như thế trong vòng hai năm, khiến mọi người ở A-xi-a, Do-thái cũng như Hy-lạp, đều được nghe lời Chúa. “

Năm tiếng đồng hồ mỗi ngày, trong vòng hai năm. Cha mẹ ơi, có thầy giúp xứ nào, hay Cha Phó nào siêng năng như thế không ?

Với năng lực truyền giáo như thế nên trong vòng hai năm, “mọi người ở Asia đều được nghe Lời Chúa.”

Lúc này thì có câu chuyện vui vui xảy ra. Nhắc lại hầu các Bạn.

Số là tại Êphêsô, có một số người làm nghề trừ quỷ. Khi thấy Phaolô trừ quỷ, chữa nhiều người bị quỷ ám rất là hiệu nghiệm, thì họ bắt chước.

Phaolô mà ra tay trừ quỷ thì chắc chắn là... “hết sẩy” rồi. “Thiên Chúa dùng tay ông Phao-lô mà làm những phép lạ phi thường,12 đến nỗi người ta lấy cả khăn cả áo đã chạm đến da thịt ông mà đặt trên người bệnh, và bệnh tật biến đi, tà thần cũng phải xuất.” ( TdCv 19,11)

Mấy vị làm nghề trừ tà kia tại Ephêsô, không biết có cao tay ấn thật hay không, hay chỉ là giở trò lừa bịp lâu nay, thấy tài nghệ của “thầy” Phaolô thì bắt chước, mong được “nâng cao tay nghề”. Họ cũng “bắt quyết”. Rồi hô hoán: “Nhân danh Đức Giê-su mà ông Phao-lô rao giảng, ta truyền lệnh cho các ngươi!” (TđCv 19, 13) Mấy ông quên không nói là truyền lệnh gì !

Trong số các thầy trừ tà, lại có cả bảy người con của một ông trưởng hội đường Do thái, tên là Sikêua.

Nhưng chuyện oái ăm là, mấy “con tà con ma” ở Êphêsô có máu tếu ngạo. Khi nghe các thầy bắt quyết hô hoán, làm đủ trò, chúng trả lời: "Đức Giê-su, tao biết; ông Phao-lô, tao cũng tường; còn bay, bay là ai? "

Rồi người bị tà thần ám nổi cơn xung thiên, dỡ “võ Thổ Nhĩ kỳ” đánh cho mấy thầy rách cả áo quần, chạy trần truồng khắp phố.

Đọc đoạn văn này,chúng ta mới thấy ngòi bút miêu tả của thánh Luca thật là dí dỏm và linh hoạt. Nhà cháu viết tới đây mà cứ nghĩ tới cảnh mấy con ma giở võ Thổ nhĩ kỳ rượt thầy cúng Do thái chạy té khói, trần truồng, “tô hô vạn tuế”, trình diễn thời trang áo tắm zero-kini mùa hè, miễn phí ngoài đường phố Ephêsô vào khoảng năm 56, thì không thể nhịn cười được .

“Mọi người ở Ê-phê-xô, Do-thái cũng như Hy-lạp, đều biết chuyện ấy.” ( TđCv 19, 17)

Sau vụ ấy thì các “thầy trừ tà” khác đều chết khiếp. Chắc là vì sợ “võ ThổNhĩkỳ” của tà ma, nên họ “cạch đến già”. Họ thú tội và nạp sách vở cho Phaolô đốt hết. “Khá đông người làm nghề phù thủy đem gom sách vở mà đốt trước mặt mọi người; tổng cộng số sách ấy trị giá tới năm mươi ngàn đồng bạc. “(TđCv 19, 19-20)

Chắc mấy con tà con ma ở Ephêsô lâu nay bị các thầy trừ tà xử ức lắm, oan mà nói không được, nên nay được một trận trả thù, thật là hả dạ. Nếu chúng ta biết, trong dụ ngôn người thợ làm vườn nho sáng sớm ra chợ thuê thợ, thoả thuận tiền công nhật là một đồng cho một ngày. "Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình.2 Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc.3” (Mt 20,1-2) thì số tiền năm mươi ngàn kia không phải là nhỏ .

Sự việc này lại liên quan tới một vụ khác.

Số là tại Êphêsô có đền thờ nữ thần Artemis lắm vú. Đền thờ này lộng lẫy, được xếp vào một trong bảy kỳ quan của thế giới. Thật ra nữ thần Artemis là chị em sinh đôi với thần Apollo. Artemis tượng trưng cho đời sống hoang dã, thích săn bắn. Tượng nàng thường được tạc với một bộ cung tên và các thú hoang quây quần chung quanh. Nàng phù trợ cho sự phong nhiêu, mắn đẻ. Nhưng theo truyền thuyết, từ lúc nhỏ đã xin bố, là Thần Zeus, cho mình được “đồng trinh trọn đời”.

Vậy mà không hiểu sao tượng nàng bên Ephêsô lại được tạc với một bộ ngực đầy những vú. Có vậy, đền thờ của nàng mới lắm người lui tới, chiêm ngắm và cầu xin. Có vậy bọn thợ bạc mới đúc và khắc tượng nàng làm những món đồ trang sức và “souvenir” cho khách vãng lai !

Nghề này rất hốt bạc. Bọn thợ bạc phất lên, giầu to, cả một kỹ nghệ dưới tay một phường chủ là ông Demetrius. Tay này lập thành cả một “công đoàn thợ bạc”, hay “phường thợ bạc”. Hà nội có ba mươi sáu phố phường, chứ ở Ephêsô chỉ có hai phố, phố “hàng trừ tà” và phố “hàng bạc” của tay Demetrius này.

Phaolô chọc vào tổ ong vò vẽ.

Nhà cháu không nói xạo. Nhà cháu nhường lời cho tay Demetrius này kể tội Phaolô như sau : “24 Số là có một người thợ bạc tên là Đê-mết-ri-ô, chuyên làm mô hình đền nữ thần Ác-tê-mi bằng bạc, và nhờ đó đem lại cho các người thợ một nguồn lợi không nhỏ.25 Ông ta tập hợp họ và những người làm nghề tương tự, và nói: "Thưa các bạn, các bạn thừa biết là nhờ việc làm ăn này mà chúng ta phát tài.26 Thế mà, như các bạn thấy và nghe biết: không những ở Ê-phê-xô này, mà gần như trong khắp cả A-xi-a, tên Phao-lô ấy đã thuyết phục và làm cho một đám đông đáng kể thay lòng đổi dạ, khi hắn nói rằng thần linh do tay người làm ra không phải là thần.27 Như vậy, có nguy cơ là không những ngành nghề của chúng ta bị chê bai, mà cả đền thờ đại nữ thần Ác-tê-mi cũng bị người ta coi chẳng ra gì, và rốt cuộc vị nữ thần mà toàn A-xi-a và cả thiên hạ tôn thờ cũng chẳng còn gì là vĩ đại nữa."28 Nghe nói thế, họ đầy lòng căm phẫn và thét lên: "Vĩ đại thay, thần Ác-tê-mi của người Ê-phê-xô! "29 Cả thành đầy hỗn loạn, người ta ùn ùn kéo đến hí trường, lôi theo ông Gai-ô và ông A-rít-ta-khô là những người Ma-kê-đô-ni-a, bạn đồng hành của ông Phao-lô.” (TđCv 19, 24-29)

Phaolô đã đập bể nồi cơm của họ. Họ điên lên là phải.

Nhưng mà tay Demetrius phải nói là đáo để. Hắn biết cách xúi dân chúng biểu tình. “Nghe nói thế, họ đầy lòng căm phẫn và thét lên: "Vĩ đại thay, thần Ác-tê-mi của người Ê-phê-xô! "29 Cả thành đầy hỗn loạn, người ta ùn ùn kéo đến hí trường...32 Dân chúng hò la, kẻ thế này, người thế nọ, đại hội trở nên hỗn loạn và phần đông không biết mình họp nhau để làm gì.” ( TđCv 19, 28-32)

Như vậy là ghê lắm chứ có phải chơi đâu. Phải nói là y hệt như lời kêu gọi “thánh chiến jihad”.

Khiếp là thế, nên Phaolô phải lánh mặt . “Tất cả mọi người đồng thanh hò hét suốt gần hai tiếng đồng hồ: "Vĩ đại thay, thần Ác-tê-mi của người Ê-phê-xô! "3 .. “Ông Phao-lô muốn ra trước đại hội toàn dân, nhưng các môn đệ không cho.31 Có mấy vị chức sắc tỉnh A-xi-a, là bạn của ông Phao-lô, cũng sai người đến khuyên ông đừng liều mình đến hí trường. “ (TđCv 19, 30-31)

Cuối cùng phải nhờ ông thư ký của Hội đồng thành phố ra trấn an, dân chúng mới chịu nguôi ngoai và giải tán.

Một lần nữa, chúng ta thấy tài kể chuyện của thánh sử Luca thật là tuyệt vời .

Sau biến cố này, Phaolô phải rời Êphêsô mà qua Hylạp. Ngài trở lại thăm Corintô, ở lại đó suốt ba tháng muà đông. Có lẽ cố ý chờ cho sang xuân, biển yên lặng, mà trở về Giêrusalem. “Ông Phao-lô mời các môn đệ tới, khuyên nhủ họ, rồi chào từ biệt và lên đường đi Ma-kê-đô-ni-a.2 Ông đi qua miền đó, nói nhiều lời khuyên nhủ các anh em, rồi tới Hy-lạp3 và ở lại đó ba tháng.” ( TđCv 20 ,1-3)

Nhưng sự thể xảy ra khác hẳn. Người Do thái lại âm mưu hại Ngài. Họ vẫn hăng say tìm cách giết hại Ngài, kẻ rối đạo, y như trước kia Ngài đã từng lùng bắt các tín hữu tiên khởi.

Vì khôn ngoan, không muốn tạo cơ hội cho họ thành công, - một vụ đắm tàu là xong ngay – hay cho người đi theo hãm hại Ngài trên tàu, hay xô xuống biển – Ngài quyết định trở về bằng đường bộ . “Vì người Do-thái âm mưu hại ông, nên khi sắp xuống tàu sang miền Xy-ri, ông quyết định qua ngã Ma-kê-đô-ni-a mà về. “ ( TđCv 20,3)

Phái đoàn chia thành hai toán, một theo đưòng biển, một theo đường bộ, hẹn nhau tại Troas .

Tại Troas, Ngài lưu lại đó một tuần.

Chỉ có một tuần thôi mà lại cũng có chuyện .

Đến ngày đầu tuần, tức là Chúa Nhật, sau khi họp nhau xem lễ Chúa Nhật: “Ngày thứ nhất trong tuần, chúng tôi họp nhau để bẻ bánh. Ông Phao-lô thảo luận với các anh em, và vì hôm sau ông ra đi, nên ông đã kéo dài cuộc nói chuyện đến mãi nửa đêm.” ( TđCv 20,7 ), Ngài giảng hăng say cho mãi đến... nữa đêm. Lạy Chúa !

Cha nào cũng vậy, dù có hùng biện mấy thì hễ giảng dài, giáo dân sẽ ngủ gật ! Đến như thánh Phaolô giảng kia mà cũng còn có người ngủ gật nữa là.

Không những thế, giảng dài còn gây ra án mạng nữa mới chết chứ ! Rõ khổ !

“Một thiếu niên kia, tên là Êu-ty-khô, ngồi ở cửa sổ, đã thiếp đi và ngủ say trong khi ông Phao-lô vẫn cứ giảng. Vì ngủ say, nên nó ngã từ tầng thứ ba xuống. Vực lên, thì nó đã chết.” (TđCv 20, 9)

Nhà cháu nhắc nhỏ cho các Bạn, xứ Bạn nào có Cha hay giảng dài, cứ đem đoạn sách này mà đọc cho các Ngài nghe, may ra cải thiện được phần nào .

Biết làm sao bây giờ mà trả lời cho bố mẹ cậu ta ? Thì đành phải làm phép lạ vậy chứ sao bây giờ ? : “Ông Phao-lô xuống, cúi mình trên nó, ôm lấy và nói: "Đừng xôn xao nữa, vì nó sống mà! "11 Rồi ông lên, bẻ bánh và ăn. Ông còn nói chuyện khá lâu, mãi đến tảng sáng mới ra đi.12 Người ta đưa cậu bé đang sống về, và ai nấy được an ủi không ít.” ( TđCv 20,10-12)

Vậy mà vẫn chưa chừa. Chứng nào tật nấy. Ngài còn giảng cho mãi đến sáng !

Hình minh hoạ chuyến đi truyền giáo lần thứ ba
Seeing

Hoặc xem bản đồ minh họa tại đây

Sau một đêm giảng và làm phép lạ cho cậu bé té lầu sống lại, Phaolô đi đường bộ, qua Assos để xuống Miletus

Nhưng từ Troas xuống Miletus, Ngài còn ghé nhiều nơi như sau:

”Chúng tôi xuống tàu trước đi Át-xô, là nơi chúng tôi sẽ đón ông Phao-lô; ông đã sắp đặt như thế, vì ông tính đi đường bộ.” (Tđcv 20 , 13)

Assos là một cảng lớn trong vùng phụ cận của vùng Troad . Được thành lập cả ngàn năm rồi, đến năm 600 trước Công nguyên, dân số của cảng Assos đã có thể lên tới 15 ngàn người.

Pholô không dừng lạ đầy lâu, đủ thời giờ để lên tàu tới Miletus mà thôi .

Sau đó cả đoàn đi tàu tới Mitylen : “Khi ông gặp lại chúng tôi ở Át-xô, chúng tôi đón ông xuống tàu rồi đi tới Mi-ty-len.” ( TđCv 20, 15)

Mitylen là thành phố chính của đảo Lesbos, nằm trên bờ Tây của Thổ nhĩ kỳ.

Tàu bè thường tới đây vào ban chiều, nằm chờ qua đêm tại đây để sáng hôm sau nhổ neo xuôi Nam sớm, nhờ vào chiều gió thuận thường thổi qua đảo này.

Thành phố này ban đầu nằm trên một hòn đảo gần đất liền, nhưng sau đảo được nối liền với đất nhờ một con đê. Từ đó Mitylen thành một hải cảng tốt cho tàu bè.

“Từ đó chúng tôi vượt biển và hôm sau tới ngang đảo Khi-ô. Hôm sau nữa, chúng tôi cặp bến ở đảo Xa-mốt, rồi ngày kế đó đến Mi-lê-tô,16 vì ông Phao-lô đã quyết định không ghé Ê-phê-xô,” ( TđCv 20 15-16)

Miletus nằm ngay cửa sông Meander, cách 45 cây số về phía nam của Ephêsô. Ban đầu Miletus là thành phố cảng, nhưng sau nhiều lần cửa sông Meander, vì phù sa, đã thay đổi chổ, nên hiện nay Miletus đã nằm sâu gần chục cây số trong đất liền.

Tại Miletus, Ngài không dám đi lên Ephêsô. Người Do thái hăm dọa sẽ thanh toán Ngài trên đó. Nên Ngài nhờ người mời các “trưởng lão” từ Ephêsô xuống Miletus để gặp Ngài.

Có hai chuyện cần lưu ý ở đây. Thứ nhất danh từ “trưởng lão”, không hẳn ám chỉ những bô lão tại cộng đoàn tín hữu ở Ephêsô! Mà chỉ là những người có chút nhiệm vụ coi sóc, nâng đỡ tinh thần tín hữu, nghĩa là là những người ma sau này gọi là Linh mục hay Giám mục.

Và khi các trưởng lão xuống Miletus gặp Phaolô, thì hai bên chia tay nhau rất là cảm động. Phaolô tâm sự tha thiết đến độ ai cũng rơi lệ.

Trước hết Ngài ôn lại cho các vị ấy duyên do Ngài tới Ephêsô, nhưng ngay sau đó Ngài nói chính Thánh Thần cho Ngài biết rằng điều bất hạnh đang chờ Ngài tại Giêrusalem: "Giờ đây, bị Thần Khí trói buộc, tôi về Giê-ru-sa-lem, mà không biết những gì sẽ xảy ra cho tôi ở đó,23 trừ ra điều này, là tôi đến thành nào, thì Thánh Thần cũng khuyến cáo tôi rằng xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi. “ ( TđCv 20 ,22-24)

Ngài khuyên họ biết cảnh giác những con chó sói sẽ xâu xé cộng đoàn.

Ai cũng mường tượng rằng, lần chia tay này sẽ là vĩnh biệt ! “Ai nấy oà lên khóc và ôm cổ ông mà hôn.38 Họ đau đớn nhất vì lời ông vừa nói là họ sẽ không còn thấy mặt ông nữa. Rồi họ tiễn ông xuống tàu. “ (TđCv 20, 38)

“Đến khi dứt ra được mà xuống tàu, chúng tôi đi thẳng đến đảo Cô, ngày hôm sau đến đảo Rô-đô, rồi từ đó đến Pa-ta-ra.2 Gặp chuyến đi Phê-ni-xi, chúng tôi xuống tàu và ra khơi.3 Khi trông thấy đảo Sýp, chúng tôi đi vòng phía nam mà hướng về Xy-ri, và cập bến tại Tia, vì tàu phải đổ hàng ở đó.” ( TđCv 21, 1- 4)

Trên đưòng về lại Tyrô, các Ngài trông thấy đảo Sýp, nhưng tàu không ghé vào mà đi thăng tới hải cảng Tyrô, để đổ hàng.

Hải cảng Tyrô là hải cảng kỳ cựu nhấ trên bờ biển vùng Phênicia phía bắc của Palestine. Nó đóng môt vai trò quan trọng giúp làm phồn vinh ngành thương mại cho cả Hylạp và Lamã. Hải cảng này nổi tiếng với việc buôn bán bột màu tím và đỏ để nhuộm vải. Hai thứ màu này đều chiết xuất từ vỏ của một loài sò biển. Ngày nay bờ biển hải cảng này vẫn còn đầy dẫy vỏ sò, dấu tích của một thời huy hoàng.

Phaolô lưu lại đây bảy ngày. Trong bảy ngày này, có một ông từ Giuđêa lên. Gặp Phaolô, ông đã tiên báo tương lai của Phaolô như sau : “Đang khi chúng tôi ở lại đó nhiều ngày, có một ngôn sứ tên là A-ga-bô từ miền Giu-đê xuống.11 Ông đến thăm chúng tôi và lấy dây lưng của ông Phao-lô tự trói chân tay lại và nói: "Đây là điều Thánh Thần phán: người có dây lưng này sẽ bị người Do-thái trói lại như thế ở Giê-ru-sa-lem mà nộp vào tay người ngoại." ( TđCv 21, 10-11)

Tuy ai cũng khuyên cản Phaolô đừng lên Giêrusalem, nhưng Ngài vẫn nhất quyết .

Thế là kết thúc chuyến đi truyền giáo lần thứ ba

Sau bảy ngày tại Giêruselem, thì “những người Do-thái từ A-xi-a đến thấy ông trong Đền Thờ thì sách động toàn thể đám đông và tra tay bắt ông.28 Họ tri hô: "Hỡi đồng bào Ít-ra-en, giúp một tay nào! Nó kia kìa, tên vẫn đi mọi nơi dạy cho mọi người những điều phản dân, phạm đến Lề Luật và Nơi Thánh này! Nó còn đem cả mấy người Hy-lạp vào Đền Thờ mà làm cho Nơi Thánh này ra ô uế." (TđCv 21, 27-29)

Danh sách các nơi Phaolô đã ghé qua trong hành trình truyền giáo lần thứ ba:

Antioch
Ephesus
Thessalonica
Corinth
Philippi
Troas
Assos
Mitylene
Miletus
Tyre
Caesarea
Jerusalem

 

 

Như thế, hy vọng đã cùng Hải Yến theo chân Thánh Phaolô khi khắp vùng Tiểu Á (Thổ nhĩ kỳ ) và Hylạp, qua những thành phố và hải cảng mà Ngài đã từng đặt chân, ôn lại môt vài biến cố nổi bật ở mỗi nơi, hiểu được tại sao, sau 12 năm miệt mài truyền giáo, con số các tín hữu tăng lên, nhưng lòng thù ghét của nguời Do thái dành cho Ngài cùng tăng theo. Dẫn đến chuyến đi cuối của Phaolô.

Đó là chuyến Ngài bị giải đi như tù nhân từ Giêrusalem về Roma, được kể lại rành rọt trong Tông đồ Công vụ chương 27 câu 1 đến 28 câu 31 .

 

 

  Nguyễn đức Khang
Houston,2005


Mời đọc tiếp

1 2 3

Xem các bài viết khác trong Lớp Ngôn sứ , Khoá 15 GHHV Đà Lạt Việt Nam.